XEM CLIP:
Sáng 30/12, chúng tôi tìm đến nơi sản xuất những chú tượng hổ của anh Nguyễn Văn Hoàng ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Gặp chúng tôi, anh niềm nở khoe "Dịch chơi cả năm, mà cuối năm bận không tưởng. Năm nay chính quyền đặt mình 6 con hổ bằng đất nung để trưng bày tại làng gốm Thanh Hà...".
Vừa thoăn thoắt rạch những đường vân trên thân hổ, anh Hoàng chia sẻ: Bản thân sinh ra trong gia đình có truyền thống về gốm tại phường Thanh Hà nên được tiếp cận với những chú tò he, chén bát bằng gốm từ thuở nhỏ.
Mỗi sản phẩm được anh Hoàng chăm chút tỉ mỉ |
"Rồi nghề tự chọn người - tôi nối nghiệp cha mẹ từ lúc nào không hay" - anh nói và cho biết, nếu không ảnh hưởng dịch bệnh thì không có thời gian tiếp khách.
Nhưng hai năm nay tôi chỉ làm mỗi dịp Tết, năm 2021 thì tạo hình trâu ra trưng bày, năm nay thì làm tượng hổ. Những ngày thường thì tôi phải đi làm thêm thợ mộc để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình...
Với đôi tay khéo léo, những chú hổ được anh Hoàng tạo hình với nhiều tư thế khác nhau như: đứng, vồ và ngồi. Vừa làm anh vừa bật mí, đây là những thế tạo nên tác phẩm có vóc dáng oai dũng, mạnh mẽ của loài vật mệnh danh "chúa sơn lâm".
Mỗi chú tượng hổ của anh Hoàng tạc năm nay có hình dáng và kích cỡ khác nhau. Ví như hổ đứng sẽ có chiều dài 60cm, chiều rộng 30cm và chiều cao khoảng 40cm. Dáng hổ vồ thì dài hơn một ít nhưng chiều cao lại thấp hơn. Còn dáng hổ ngồi thì chiều cao lại cao hơn.
Mỗi công đoạn cần phải có sự trau chuốt |
Để hoàn thành một chú tượng hổ, cần có nhiều công đoạn khác nhau. Anh sử dụng đất sét cắt từng miếng lớn, từ đó cuộn tròn lại thành hình khối rỗng ruột. Sau đó, anh bắt đầu tạo hình, nắn từng bộ phận, tạo những lớp lông… tiếp đến là phơi khô, chuyển vào lò nung và vẽ sơn lên sản phẩm.
Mỗi công đoạn, yêu cầu người làm cần có sự tỉ mỉ khác nhau, Anh Hoàng giải thích: “Nếu ở công đoạn làm đất thì cần phải chọn đất sét tốt, nhào thật kỹ để đất không ướt và bám chắc, ít nứt nẻ khi phơi khô…
Hay ở giai đoạn nung, cần phải ở nhiệt độ phù hợp. Trước khi nung cần khoét lỗ thoát khí để sản phẩm không vỡ, thời gian sản phẩm đặt trong lò đến 2 ngày…”
Để hoàn thiện những công đoạn trên, anh Hoàng mất đến hơn một tháng. Thời gian phơi khô lâu nhất vì phụ thuộc vào thời tiết, năm nay nắng không nhiều nên việc phơi kéo dài gần 1 tháng. Đất sét phải cứng, chắc chắn mới đưa vào lò nung.
"Mong muốn năm hổ sẽ khởi sắc hơn"
Mỗi sản phẩm đẹp bên cạnh sự tỉ mỉ thì cần có sự tìm tòi của người làm. Với anh, công đoạn khó nhất để hình thành một chú hổ đó là giai đoạn tạo hình. “Về thân hình, chân, đuôi… thì dễ nhưng khó nhất đó là khuôn mặt…”.
Khuôn mặt hổ sẽ đại diện cho tác phẩm, để có hồn, anh phải tìm tòi trên mạng, xem nhiều hình ảnh để hình dung sao cho những đường nét giống với chúa sơn lâm nhất.
Công đoạn làm đất thì cần phải chọn đất sét tốt, nhào thật kỹ để đất không ướt, và bám chắc, ít nứt nẻ khi phơi khô… |
“Từ miệng, nét mặt cần phải liên kết với mắt, mũi, gò má… Tôi rất chú tâm đến những chi tiết này vì nó quan trọng nhất của tác phẩm”, anh Hoàng chia sẻ.
Đến nay, 6 chú hổ đang ở giai đoạn tạo hình, khoảng thời gian 15/12 âm lịch tới, anh sẽ chuyển sản phẩm đến làng gốm để trưng bày.
Với anh, những chú hổ này hoàn thành như khép lại một năm dịch dã, mở ra năm mới với nhiều hy vọng tốt hơn |
Với anh, những chú hổ này hoàn thành như khép lại một năm dịch dã, mở ra năm mới với nhiều hy vọng tốt hơn.
“Năm vừa qua ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quá nhiều rồi, những chú hổ thể hiện sự mạnh mẽ hy vọng một năm mới khởi sắc hơn.
Và điều chắc chắn ai cũng mong muốn đó là đại dịch nhanh chóng qua đi để cuộc sống có thể trở lại bình thường…”.
Phó Ban quản lý làng gốm Thanh Hà Nguyễn Hào cho biết, những tác phẩm này sẽ được đặt trên các bức phù điêu có đế sẵn xung quanh làng gốm để chào đón năm mới. Ngoài ra, du khách tham quan có thể chiêm ngưỡng, chụp hình với con giáp của năm 2022...
Tết Dương lịch 2022 được nghỉ 3 ngày liên tục
Ngày 1/1/2022 vào đúng ngày nghỉ cuối tuần nên người lao động được nghỉ bù vào ngày thứ 2 liền kề, nâng tổng số ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022 lên 3 ngày.
Công Sáng