Những ngày đầu năm mới 2024, người dân ở huyện vùng cao Quỳ Châu (Nghệ An) tập trung làm cọn nước để phục vụ việc tưới tiêu cho vụ Đông xuân.

Người Thái ở Nghệ An gọi cọn nước là “Pặt nặm” (nghĩa là tưới nước). Ngoài tác dụng thực tiễn phục vụ sản xuất nông nghiệp, những chiếc cọn quay cạnh đồng lúa còn là một nét đẹp thu hút nhiều người ghé thăm bản làng.

W-connuoc1-1.jpg
Người dân ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) đang tập trung làm cọn nước

Với hệ thống tưới ruộng truyền thống này, người nông dân dẫn nước từ những con suối dưới thấp lên những chân ruộng cao, mà nếu dùng bơm nước thì thường rất tốn kém. 

Người dân địa phương cho biết, việc làm cọn nước đã có từ lâu đời. Đối với những nhà có chân ruộng cao hơn suối nước, cọn là yếu tố quan trọng làm nên sự thành bại của mỗi vụ lúa. 

W-connuoc2-1.jpg
Việc làm cọn nước đòi hỏi sự kỳ công
W-connuoc3-1.jpg
Người dân phải chuẩn bị vật liệu như tre, nứa, gỗ... hàng tháng

Ông Sầm Văn Thanh (bản Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến) cho biết, để làm được chiếc cọn nước đòi hỏi phải tốn nhiều công sức. Trước khi dựng cọn nhiều tháng, người dân phải lên rừng chặt tre, nứa, gỗ, tìm dây buộc, gỗ làm máng. Khi đã đủ nguyên vật liệu mới bắt tay vào làm cọn.

Sau khoảng 2 tuần làm việc liên tục, một chiếc cọn mới được hoàn thành. 

“Nan chống là những thanh nứa nhỏ được đan cài cầu kỳ. Trục cũng làm từ gỗ dẻo, dây buộc phải lựa chọn thứ có thể chịu được nước và có độ bền cao. Dựng và lắp đặt cọn nước là công việc khá nặng nhọc vì mỗi chiếc nặng khoảng 2 tạ, cần 4 đến 5 người khiêng...”, ông Thanh chia sẻ.

W-connuoc4-1.jpg
Đóng những cây cọc lớn dưới suối để lắp bánh xe quay

Những ngày thời tiết giá lạnh, việc lắp cọn nước của bà con vô cùng vất vả khi phải dầm mình dưới sông suối. Một số gia đình có diện tích trồng lúa lớn lại ở những khu vực khác nhau phải cần đến 2 chiếc cọn mới đảm bảo được nguồn nước. 

Hệ thống cọn nước hoàn chỉnh bao gồm bánh xe quay quanh một trục gỗ có gắn hàng trăm chiếc ống. Khi bánh xe quay, những chiếc ống tự động múc nước đổ vào máng chứa. Từ đó, nước chảy theo máng hoặc ống dẫn vào ruộng lúa.  

W-connuoc5-1.jpg
Khoảng 2 tuần, việc lắp đặt những cọn nước mới xong xuôi
W-connuoc6-1.jpg
Dùng những tấm chắn để đảm bảo bánh xe quay lấy đủ nước

Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, ông Sầm Thanh Hoài cho biết: “Đến nay bà con trên địa bàn đã làm được gần 200 cọn nước, chi phí mỗi chiếc khoảng 2 triệu đồng, chủ yếu ở các bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2, bản Ban.

Số lượng cọn nước này hàng năm phục vụ tưới tiêu cho trên 50ha lúa, vừa kết hợp du lịch cộng đồng tạo nên nét đặc sắc ở địa phương. Tuy nhiên, cứ đến mùa lũ, đa phần cọn nước bị cuốn trôi nên bà con phải làm lại rất tốn kém”. 

Ông Lương Trí Dũng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Quỳ Châu thông tin thêm, thời điểm này, người dân ở các xã Châu Tiến, Châu Bính, Châu Phong... đang tập trung làm các cọn nước để phục vụ nguồn nước tưới cho đồng ruộng.

W-connuoc7-1.jpg
Việc làm cọn nước tốn kém hàng triệu đồng
W-connuoc8-1.jpg
Những chiếc ống tự động múc nước đổ vào máng chứa

“Trước đây, nhiều hộ dân được hỗ trợ mỗi cọn nước khoảng 200.000 đồng nhưng hiện không có chính sách gì cả. Địa phương đang khuyến khích người dân vừa làm cọn nước phục vụ tưới tiêu, vừa kết hợp với du lịch”, ông Dũng nói. 

Thời điểm này, người Thái ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong... (Nghệ An) cũng đang tất bật bước vào thời điểm làm cọn nước. Không những phục vụ cho việc tưới tiêu, những chiếc “Pặt nặm” trở thành nét đẹp truyền thống, tạo nên điểm nhấn đặc sắc nơi miền biên viễn xứ Nghệ.