Cầm trên tay quyển 'Truyện cổ ANĐÉCXEN” (do tác giả Trần Minh Tâm dịch, NXB Hội Nhà văn), tôi sốc thật sự với ngôn ngữ truyền tải trong quyển truyện cổ tích này. Đây là văn phong của An-đéc-xen, khiến bao nhiêu thế hệ thiếu nhi yêu thích sao?
Văn … rắc rối
Câu văn trúc trắc |
Thử đọc một đoạn trong Anh chàng chăn lợn có thể thấy chi tiết đơn giản nhưng câu chữ diễn đạt rắc rối, khó hiểu: "… Chàng đặt hai thứ hoa và họa mi vào hai chiếc hộp lớn bằng bạc và gửi tới tặng công chúa. Cả hoa và chim được đặt trước ngai - hoàng đế ra lệnh đặt ở đại điện - nơi công chúa thường chơi trò chủ khách với các thị nữ của nàng.Họ không biết làm trò gì khác cả. Khi trông thấy hai chiếc giỏ lớn bên trong để quà, công chúa vui thích vỗ tay…".
So sánh với bản dịch trước hay một bản trên mạng internet sẽ thấy văn phong sáng sủa, dễ hiểu hẳn. “Hoàng đế cho đem những thứ ấy đến cho ngài xem trong đại điện, nơi công chúa đang chơi trò tiếp khách với các cung nữ. Vừa nhìn thấy những tráp bạc, nàng vỗ tay hoan hỉ reo lên”...
Truyện Bố nó lúc nào cũng đúng cả khó tiếp nhận chẳng kém: "… Hẳn ai mà chẳng biết một ngôi nhà nông dân cũ kỹ thực sự ra sao, với một mái rạ mọc đầy rêu và cỏ dại và một tổ cò chỗm chệ trên nóc - không thể nào vắng bóng cò - và những bức tường xiêu vẹo, những cửa sổ thấp ngang mày, chỉ có một chiếc là mở được. Lò nướng bánh nhô ra như một chiếc bụng nhỏ phình, và bụi cây già cỗi rũ xuống khắp hàng rào - nơi có một chiếc ao nhỏ với một con vịt…".
Dấu "-" xen ngang mạch cảm xúc liên tục khiến độc giả rối trí, đau đầu. Trong khi các bản dịch trước đây rất dễ hiểu, miêu tả cảnh nông thôn rất gần gũi, thơ mộng. Chắc chắn với cách viết như trên, cuốn sách khiến các em học sinh chán… văn chương.
'Chân dung' quyển truyện nhiều 'sạn'. |
Chi tiết kỳ quặc
Hãy thử đọc một đoạn văn kỳ quặc dưới đây: "Rét căm căm, tuyết rơi và trời sẽ tối sớm, vì là ngày cuối năm - là đêm giao thừa đón năm mới. Một em bé tội nghiệp, chân đất, đang dò dẫm trên phố lạnh và tối. Thực ra thì em có đi giày vải khi ra khỏi nhà, nhưng phỏng có ích gì kia chứ? Đôi giày quá rộng mà mẹ em thường đi, vì thế người ta có thể hình dung ra cỡ giày, cả hai chiếc đã văng ra khỏi chân, khi em luýnh quýnh băng băng qua đường đúng vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại. Một chiếc đã biến mất, một thằng bé đuổi theo chiếc kia - Và nói rằng, một ngày nào đó, chiếc giày này sẽ làm nôi khi nó có con…".
Trong khi cùng nội dung, bản dịch này đọc dễ hiểu hơn nhiều:
"Rét dữ dội, tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa. Giữa trời đông giá rét em bé đầu trần, đi chân đất, đang dò dẫm trong đêm tối. Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng có tác dụng gì cơ chứ! Giày ấy của mẹ em để lại, rộng quá, em đã làm văng mất cả hai chiếc khi em chạy qua đường vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại. Chiếc thứ nhất bị xe song mã nghiến, rồi dính theo tuyết vào bánh xe, thế là mất hút. Còn chiếc thứ hai, một thằng bé lượm được cười sằng sặc, đem tung lên trời. Nó còn nói to với em rằng nó sẽ giữ chiếc giày để làm nôi cho con chó sau này! Thế là em phải đi chân đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét”. (trích từ Sách Ngữ văn lớp 8)
Chiếc giày này dùng để làm gì? |
Ai đã từng yêu thích truyện, với những thế hệ mến mộ thiên tài An-đéc-xen, câu cuối cùng, chi tiết cuối trong đoạn văn trên ắt hẳn khiến họ sốc.
Bà mẹ già của… vua!
Dịch giả là người phải giỏi ngoại ngữ nhưng dịch văn học không phải dễ. Với truyện Nàng tiên cá nhỏ, việc chuyển ngữ khiến người đọc thất vọng. Đơn cử như câu này: "… Đã nhiều năm nay Vua Thủy tề góa vợ. Bà mẹ già của vua trông nom cung thất".
Đã dịch “cung thất” sao lại gọi người ấy là “bà mẹ già của vua”? |
Ông vua… trong tủ áo?
Có câu được chuyển nghĩa thành: "Ngài đang trong tủ quần áo" (Bộ quần áo mới của Hoàng đế) trong khi theo nhiều bản dịch được dịch thoáng là vị Hoàng đế đang trong phòng quần áo hay đang bận thay quần áo.
Vị hoàng đế ‘cuồng’ thời trang đến độ chui vào bên trong tủ áo? |
*Hành hay hẹ?
Và nữa, hãy thử đọc đoạn sau đây: "Trong lúc ông đi vắng, tôi đã nghĩ đến việc phải nấu một bữa thật ngon khi ông về: Trứng tráng cho thêm hành. Tôi đã có trứng, nhưng không có hành. Thế là tôi sang nhà ông hiệu trưởng, tôi biết họ trồng nhiều hẹ ở đó…" (trích Bố nó lúc nào cũng đúng cả).
Cách diễn đạt khó hiểu, nhiều lỗi từ ngữ khiến nội dung, chất lượng truyện giảm nhưng hông hiểu sao tác phẩm này vẫn lọt qua cửa của Nhà xuất bản Hội nhà văn, những “chuyên gia” văn chương để đến tay bạn đọc, là trẻ em?
Nguyễn Minh