"Độc chiêu" của thợ săn cua đá
Để bắt được cua đá, người săn cua dùng mắm tôm để nhử chúng ra khỏi hang và các phiến đá lớn. Việc này rất kỳ công nhưng cũng là nghề phụ, giúp tăng thu nhập cho người dân lúc nông nhàn.
Thời gian gần đây, Nghệ An thường xuyên có mưa lớn, nước ở các khe, suối dâng lên nhanh. Tranh thủ thời gian này, người dân đi bắt cua đá để cải thiện bữa ăn, cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Cua đá có đặc điểm giống cua đồng nhưng thân hình lớn hơn, đặc biệt hai chiếc càng thể hiện sự khác biệt. Vì trú ngụ trong khe suối nên cua có màu sắc đa dạng và thường thay đổi theo màu nước.
Loại cua này thường sống trong các hốc đá ở khe, suối.
Vì cua đá sống ở các khe núi, hốc đá trong rừng nên muốn bắt được chúng không hề đơn giản. Để bắt loại cua này, người dân miền núi Nghệ An có bí quyết là dùng mắm tôm làm mồi nhử "dụ" chúng ra khỏi hang. Theo kinh nghiệm của thợ săn cua đá, thường sau khi cho mắm tôm xuống khe, suối khoảng 20-30 phút, cua sẽ bắt mùi, tự bò ra.
Anh Hà Thủy (33 tuổi, trú ở xóm Khe Thần, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) chia sẻ: "Công việc chính của tôi hàng ngày là đi bốc keo. Mấy hôm nay ban ngày trời mưa nên đêm tôi tranh thủ đi săn cua đá đem bán kiếm tiền. Mỗi đêm bắt cua đá tôi bán được khoảng 300.000 đồng. Mặc dù đây là công việc gặp không ít nguy hiểm, vì thường đi đêm, dễ ngã hay bị rắn cắn... nhưng chỉ cần tranh thủ, chịu khó cũng có thêm thu nhập".
"Dù vậy, do bị săn lùng nhiều, cua đá giờ cũng rất khôn, chỉ cần thấy ánh đèn loáng qua là tìm chỗ ẩn nấp ngay. Vì vậy, người bắt cần nhanh mắt nhanh tay, khi phát hiện cua phải chộp ngay vì chúng rất nhanh, không giống như cua đồng", anh Thủy chia sẻ thêm.
Hiện cua đá loại 5-6 con/kg có giá bán là 120.000-150.000 đồng/kg, loại 8-10 con/kg là 90.000-100.000 đồng/kg.
Theo anh Trần Văn Trung, ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, trung bình mỗi đêm tranh thủ đi "săn" được khoảng 2-3kg cua đá. Với giá bán dao động từ 120.000-150.000 đồng, anh kiếm được 300.000-500.000 đồng. So với công việc khác thì nghề đi bắt cua đá, theo anh, cũng không hề đơn giản vì hay gặp rủi ro.
Chị Nguyễn Thị Tình, tiểu thương ở thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán ra thị trường khoảng 15- 20kg cua đá. Đa phần, mọi người thường mua về hấp bia, hấp sả, rang mẻ, làm mồi nhậu... Do cua đá có nguồn gốc tự nhiên, không qua nuôi thả nên thịt có vị đặc biệt hơn các loại khác. Ngoài ra, giá thành của loại cua này đắt hơn cua đồng nên thường chỉ gia đình có điều kiện mới hay chọn mua.
Bắt đầu từ khoảng tháng 5-6 dương lịch, vào mùa cua, người dân miền núi Nghệ An thường vào rừng săn cua. Quá trình bắt cua kỳ công nhưng đổi lại giá thành cao, đây cũng là một công việc kiếm thêm thu nhập hiệu quả.
(Theo Dân Trí)
Cua đá núi đưa về Hà Nội được quảng cáo là 'ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng'
Được giới thiệu là “ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng”, loại cua sống trong các hốc đá ở những con suối trên núi có giá thành dao dộng 150.000 - 220.000 đồng/kg đang được rao bán rầm rộ.