- Theo ông Nguyễn Tử Cương - Trưởng Ban Phát triển thuỷ sản bền vững, đến thời điểm này, sau hơn 10 ngày thì nguồn lây nhiễm làm cá chết có thể đã bị phi tang.

Chiều nay, Hội Nghề cá VN tổ chức cuộc họp báo về hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung thời gian vừa qua.

Ông Nguyễn Tử Cương - Trưởng Ban Phát triển thuỷ sản bền vững, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cá bị chết là cá tầng đáy. Cá tầng đáy sống định cư, sau nguồn chết đầu tiên ở Hà Tĩnh thì lan dần xuống Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

{keywords}

Ông Nguyễn Tử Cương

"Có thể suy đoán nguồn gây độc bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau đó theo dòng hải lưu chất độc chảy đến đâu thì cá chết đến đấy. Như vậy, tại vùng Hà Tĩnh có dòng hải lưu dẫn chất độc đi. Nếu làm ngay thì có thể tìm ngay được nguyên nhân, nhưng cho đến thời điểm này, hơn 10 ngày thì nguồn lây nhiễm có thể đã bị phi tang", ông Cương nhận định.

Ông cũng cho rằng nguyên nhân của việc cá chết hàng loạt không phải do thiên tai mà có nguyên nhân từ con người. Ông khuyến cáo nên xem ở Nam Hà Tĩnh có nguồn lây nhiễm nào không, nếu có thì không lấy chất thải đó mà lấy mẫu đất, mẫu nước liền kề ở nơi nghi vấn rồi phân tích.

"Sau đó lấy mang và dạ dày của cá vừa mới chết để phân tích cùng số chỉ tiêu quan sát, so sánh thì có thể biết ngay độc tố ở đâu", ông Cương nói.

Ông cho rằng, từ thông tin nhà máy Formosa nhập 300 tấn hóa chất để súc xả đường ống, cần kiểm tra kỹ trong 300 tấn đó có chất mà ta đang phân tích hay không. Nếu có thì việc truy tìm nguyên nhân sẽ rất nhanh.

Cần cứu trợ ngư dân

Chủ tịch Hội nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng cho biết việc đánh bắt ven bờ, đánh bắt ngoài biển và nuôi trồng thủy sản cùng đời sống bà con ngư dân bị ảnh hưởng rất lớn.

{keywords}

Chủ tịch Hội nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng

Ông kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kịp thời lo cho bà con ngư dân bị ảnh hưởng từ vụ cá chết này. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng kết luận nguyên nhân, giải quyết vụ việc.

Hồng Nhì