Doanh thu dịch vụ OTT TV tăng gấp 3
Theo số liệu của Bộ TT&TT, Việt Nam có khoảng 16,8 triệu thuê bao truyền hình trả tiền và duy trì mức doanh thu trên 9.000 tỷ đồng trong năm 2021.
50 doanh nghiệp hiện có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Số kênh truyền hình trong nước là 196 và 70 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập. Số liệu từ cơ quan hữu trách cho thấy, truyền hình trên Internet chỉ chiếm khoảng 2,9% và còn dư địa lớn để phát triển.
Các dịch vụ OTT TV ngày càng quen thuộc với người dùng. (Ảnh minh họa: Internet) |
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), đến hết quý II/2022, thị trường truyền hình trả tiền có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ quan quản lý cũng cho biết, doanh thu đối với dịch vụ OTT TV (dịch vụ truyền hình cung cấp trực tiếp qua Internet) tăng trưởng xấp xỉ tới 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới như: Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI,…
Cơ quan quản lý nhận định, các doanh nghiệp này là nội dung trên dịch vụ không có kênh chương trình, chỉ có nội dung theo yêu cầu (VOD), chủ yếu là các thể loại phim điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim truyền hình. Ngoài ra, các dịch vụ này cũng có chương trình truyền hình thực tế, trò chơi truyền hình (gameshows,…).
Sẽ siết quản lý các nền tảng xuyên biên giới
Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp đã chuyển dịch mạnh mẽ để thích nghi trong bối cảnh thị trường chuyển từ dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống sang truyền hình trên Internet (IPTV, OTT).
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông góp mặt trong mảng dịch vụ này cũng khiến mức độ cạnh tranh, sôi động của truyền hình trả tiền tăng lên mạnh mẽ. Do đó, các đơn vị truyền hình trả tiền truyền thống phải điều chỉnh để thích nghi bằng cách tự đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng truyền hình - viễn thông trên cùng một hạ tầng.
Netflix và các nền tảng xuyên biên giới đã phải đóng thuế tại Việt Nam. (Ảnh: Internet) |
Trong khi đó, các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam lại chưa chịu sự quản lý chặt chẽ và lượng thuê bao liên tục tăng.
Hồi tháng 5/2022, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã tiếp tục kiến nghị siết chặt quy định quản lý đối với các dịch vụ OTT xuyên biên giới. Theo đó, các dịch vụ xuyên biên giới cần thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép hoạt động, kiểm duyệt theo quy định; phải “tiền kiểm” trước khi nội dung được phát sóng hoặc đưa lên Internet nhằm đảm bảo thống nhất sự quản lý của nhà nước về nội dung truyền hình, phim ảnh giống như các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT trong nước.
Ngoài ra, dịch vụ xuyên biên giới cần kê khai doanh thu phát sinh tại Việt Nam; áp dụng biện pháp kỹ thuật kèm chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ các quy định kiểm duyệt nội dung. Đồng thời, đưa các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào danh mục kiểm soát đặc biệt.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, một số dịch vụ đã vi phạm pháp luật Việt Nam, chẳng hạn năm 2020 -2021, Netflix có nhiều nội dung sai phạm về chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Trước thực trạng đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng có nhiều biện pháp theo dõi giám sát; liên tục cảnh báo nhắc nhở, chấn chỉnh và ngăn chặn. Bước đầu cho thấy, các dịch vụ đã phải chấp hành biện pháp quản lý của cơ quan chức năng.
Thời gian tới, một số văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ban hành giúp tăng cường quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ OTT TV nói chung và dịch vụ phổ biến phim điện ảnh trên không gian mạng nói riêng. Dự kiến từ năm 2023, các quy định mới sẽ cho phép xử lý sự bất cập hiện nay, buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV của nước ngoài phải tuân thủ quy định như doanh nghiệp trong nước.
Cục Phát thành, truyền hình và Thông tin điện tử nhận định, các quy định mới sẽ thúc đẩy thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Duy Vũ
Người dân phản ánh sai phạm nội dung của dịch vụ OTT qua mạng
Người dân có thể phản ánh các sai phạm về dịch vụ truyền hình trên mạng Internet xuyên biên giới thông qua cổng thông tin của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.