Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024.

hoi nghi (1).jpg
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội nghị.

Sách điện tử tăng 200% 

Ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, cho biết các cơ quan chủ quản nhà xuất bản đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi hoạt động của nhà xuất bản và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho nhà xuất bản, đặc biệt việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định mới về giá có hiệu lực năm nay. Một số cơ quan chủ quản đã chủ động nghiên cứu, thực hiện đúng quy định, đảm bảo tiến độ chương trình.

hoi nghi (4).jpg
Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Tống Văn Thanh.

Ông Tống Văn Thanh cho biết, năm 2024, ngành xuất bản đạt kết quả đáng ghi nhận với chất lượng xuất bản phẩm nâng cao, hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng độc giả. Hoạt động kinh doanh của các nhà xuất bản ổn định và tăng trưởng.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết năm 2024 số đầu xuất bản phẩm in ước đạt 41.000 đầu (giảm 2,97% so với cùng kỳ năm 2023); số đầu xuất bản phẩm điện tử xuất bản ước đạt 4.050 đầu (tăng 120,7% so với cùng kỳ năm 2023), đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 8,9%, tăng 2,3% so với chỉ tiêu năm; trong đó, quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt 102 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói, sách điện tử tăng 200% so với năm 2023; tổng doanh thu hoạt động xuất bản và phát hành sách ước đạt 8.700 tỷ đồng.

hoi nghi (2).jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến từ các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng, ngành xuất bản có thể tự tin hơn vì dư địa phát triển lớn và tiếp tục được mở rộng; tự tin về hiệu quả và cơ hội, tiềm năng chuyển đổi số mở ra; tự tin về hiệu quả của hoạt động xuất bản điện tử; tự tin về sự đa dạng hoá các loại hình xuất bản phẩm; tự tin hơn vì vị thế và uy tín của ngành xuất bản cũng như phát triển văn hoá đọc đi vào chiều sâu và rộng.

Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, ngành xuất bản cần tiếp cận năm 2025 với tinh thần "tiến công" để khai thác tối đa cơ hội và tiềm năng. Ông lưu ý 2 nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và bám sát nhiệm vụ chính trị.

hoi nghi (3).jpg
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy.

Các nhà xuất bản phải là "bà đỡ" cho tác phẩm

Kết luận hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, trong đó thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy hoạch ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa, là "bà đỡ" cho những tác phẩm, công trình khoa học tiên tiến, góp phần quan trọng để phát triển đất nước và cung cấp hiệu quả nền tảng tri thức để các lĩnh vực khác.

Các cơ quan chủ quản xuất bản phát huy vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị xuất bản trực thuộc nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để phục vụ: tuyên truyền có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Lãnh đạo, chỉ đạo xuất bản các ấn phẩm giá trị, lan tỏa cao, góp phần tạo niềm tin, khí thế và động lực mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024, của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực xuất bản. Chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với việc đầu tư, phát triển xuất bản điện tử, bán sách online và ứng dụng công nghệ trong quản lý, biên tập và phát hành…

Ảnh: Hoàng Hoàng 

Xây dựng văn hoá trong Đảng giai đoạn mớiGS. TS Đinh Xuân Dũng cho rằng nhiều Đảng viên, cán bộ ở các cấp khác nhau bị kỷ luật chính vì thiếu văn hoá, không đủ năng lực để điều tiết chính mình bằng sức mạnh của các giá trị văn hóa.