Các dịch vụ di động đại diện cho cơ sở hạ tầng quan trọng cho phép mọi người kết nối với nhau trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các dịch vụ này sẽ miễn nhiễm với cú sốc kinh tế mà đại dịch gây ra.
Theo dự báo, doanh thu thị trường dịch vụ truyền thông di động trên toàn thế giới sẽ đạt tổng cộng 749,7 tỷ USD trong năm nay, giảm gần 51 tỷ USD so với dự đoán trước đó là 800,3 tỷ USD. Năm 2019, doanh thu toàn thế giới trong lĩnh vực này đạt 781,5 tỷ USD. Như vậy, doanh thu hàng năm sẽ giảm 4,1% trong năm nay, với mức giảm lên tới 31,8 tỷ USD.
Doanh thu dịch vụ di động toàn cầu sụt giảm gần 51 tỷ USD |
Mike Roberts, Giám đốc nghiên cứu của Omdia cho biết: “Các công ty điện thoại di động trên toàn thế giới đang gặp phải tình trạng sử dụng đột biến khi nhiều quốc gia khuyến khích hoặc thực thi các quy tắc giãn cách xã hội và làm việc tại nhà để làm chậm sự lây lan của đại dịch. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến này không đủ để khắc phục tác động của đại dịch đối với hành vi của người tiêu dùng. Các quy tắc này đang có tác động mạnh mẽ đến các khu vực khác nhau trên thế giới như tạm dừng đăng ký và nâng cấp mới ở Hoa Kỳ, trong khi doanh thu bị cắt giảm đối với các nhà khai thác ở Châu Âu”.
Sự thu hút người dùng đối với các dịch vụ 5G sẽ diễn ra chậm hơn so với dự báo trước đây, do tình hình kinh tế cũng như khả năng trì hoãn triển khai mạng 5G và sự sẵn có của các thiết bị 5G.
Ở châu Mỹ, doanh thu dịch vụ di động được dự báo giảm 3,7% xuống còn 237 tỷ USD trong năm 2020. Phần lớn khoản doanh thu giảm này sẽ đến từ Hoa Kỳ khi cả số thuê bao tăng thêm và nâng cấp lên các gói dữ liệu cao hơn đều bị chậm lại hoặc dừng hoàn toàn.
Châu Âu sẽ chịu tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng, với doanh thu dịch vụ di động giảm 9,1% xuống còn 131 tỷ USD, giảm 9,3% so với dự báo trước đó của Omdia. Sự suy giảm này sẽ được thúc đẩy bởi việc giảm đáng kể doanh thu trả trước trên thiết bị di động và giảm đáng kể doanh thu chuyển vùng trong nước.
Ví dụ đối với nhà mạng Vodafone của Anh cho biết, lưu lượng truy cập Internet di động đã tăng 30% và lưu lượng thoại di động tăng 42% do cuộc khủng hoảng từ đại dịch. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ di động đang chứng kiến việc kinh doanh mới bị đình trệ khi các cửa hàng bán lẻ đóng cửa và người tiêu dùng ngừng mua điện thoại mới khi mất việc làm. Một ví dụ khác về xu hướng phổ biến này là nhà mạng AT&T của Hoa Kỳ, nhà mạng này đang đóng cửa 40% các cửa hàng bán lẻ tại Hoa Kỳ.
Khu vực Trung Đông và Châu Phi sẽ chứng kiến sự sụt giảm 3,9% doanh thu dịch vụ di động, xuống còn 84 tỷ USD, thể hiện mức giảm 8,4% so với dự báo trước đó của Omdia. Các yếu tố chính cho sự suy giảm bao gồm tác động của giá dầu thấp đối với các nền kinh tế vùng Vịnh và sự mong manh của các nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các vùng của Châu Phi.
Mặc dù tác động của dịch bệnh trên thị trường di động là rất đáng kể ở mọi khu vực, nhưng nó lại khá mờ nhạt so với tác động của cuộc khủng hoảng đối với các lĩnh vực như du lịch, khách sạn và bán lẻ, các lĩnh vực này đã phải ngừng hoạt động một phần hoặc ngừng hoàn toàn. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được phát hành vào đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020.
“Sự suy giảm nghiêm trọng của nền kinh tế thế giới sẽ tác động rõ ràng đến mọi phân khúc của nền kinh tế, bao gồm cả điện thoại di động, nhưng nó sẽ tồn tại bao lâu ở mỗi quốc gia và khu vực hầu như không thể dự đoán được. Một điểm sáng đó là Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bị đại dịch tấn công, đã có những dấu hiệu cho thấy thị trường di động và nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục trở lại”, ông Mike Roberts nói.
Phan Văn Hòa (theo Lightreading)
Thị phần toàn cầu của Windows 10 sụt giảm trong tháng 4/2020
Số liệu khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Netmarketshare công bố trong tháng 4/2020 cho thấy, thị phần toàn cầu của Windows 10 có sự sụt giảm so với kỷ lục tháng 3/2020.