Trong 2 năm qua, sự phổ biến của thiết bị di động đã bào mòn doanh số PC. Tuy nhiên, theo báo cáo mới của Gartner, thị trường PC đang có dấu hiệu phục hồi dù khá chậm.
Trong quý IV/2014, Gartner chỉ ra lượng xuất xưởng PC đã tăng 1% so với cùng kỳ năm 2013, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2012. Tuy nhiên, sự tăng trưởng khác biệt rõ rệt giữa các khu vực. Ví dụ, tại Mỹ, lượng xuất xưởng PC trong quý này tăng 13,1%, mức tăng nhanh nhất trong vòng 4 năm nhờ sức mua trong kỳ nghỉ. Các mẫu laptop giá rẻ từ 200 USD đến 300 USD, notebook mỏng, nhẹ và laptop có màn hình có thể tách rời đã dẫn dắt nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi (gọi chung là EMEA), doanh số chỉ tăng nhẹ 2,8%, phần lớn nhờ vào người dùng Tây Âu chọn mua notebook giá rẻ và combo laptop – tablet. Doanh số tại châu Á – Thái Bình Dương cũng tăng chậm hơn Mỹ, đạt 2%. Những người mua tại đây có xu hướng mua smartphone hoặc tablet thay vì đầu tư vào laptop hay desktop.
Nhà phân tích Mikako Kitagawa nhận định: “Người dùng châu Á – Thái Bình Dương tập trung vào giải trí hay một số tác vụ chuyên biệt có thể xử lý bằng smartphone. Kết hợp với thu nhập hạn chế, đối tượng này trì hoãn việc mua PC nếu họ không có nhu cầu, do đó khiến thị trường tiêu dùng trở nên buồn chán hơn trước đây”.
Lenovo tiếp tục là nhà sản xuất PC số 1 thế giới dựa theo sản lượng, chiếm 19,4% thị phần trong quý cuối năm 2014. HP bắt đầu bắt kịp với thị phần 18,8% nhờ hoạt động tốt tại khu vực EMEA và châu Á – Thái Bình Dương hơn Lenovo. Dell chiếm vị trí thứ 3 với 12,7% thị phần. Acer và Asus đứng vị trí thứ 4 và 5 tương ứng.
Doanh số PC được cải thiện dần dần từ giữa năm 2014 do người dùng thay thế thiết bị cũ hơn hoặc cảm thấy bực mình vì những hạn chế trên tablet. Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa máy tính bảng sắp hết thời. Trong báo cáo trước đó, Gartner dự đoán doanh số tablet sẽ qua mặt PC trong năm nay.
Theo ICTnews/TechCrunch