LỜI TOÀ SOẠN

Ngày 13/10/2024 là kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. 20 năm qua là quãng thời gian đủ để khu vực doanh nghiệp tư nhân vươn mình trỗi dậy thành một thanh niên trẻ, tràn đầy khát khao và năng lượng để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của quốc gia. 

Từ chỗ bị kỳ thị coi là giai cấp bóc lột trong quá khứ, giới doanh nhân đã chính thức có được một ngày để tôn vinh như nhiều ngành nghề khác. Đa số doanh nhân hiện nay đều xuất phát với hai bàn tay trắng lúc khởi nghiệp và giờ đây, họ trở thành những ông bà chủ, tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra nhiều việc làm nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần đó đã giảm sút trong những năm gần đây, từ những đợt phong tỏa do dịch Covid-19, từ tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm” của bộ máy. 

Tinh thần kinh doanh cần phải được xốc lại, khát khao làm giàu cần phải được lan tỏa, sự sợ hãi cần được chấm dứt. Hơn hết, sau các thập kỷ qua, giới doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự thích nghi, linh động và sức chống chịu bền bỉ để trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. 

Họ chắc chắn là trụ cột trong tiến trình thực hiện mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045 của đất nước. 

Nhân ngày 13/10, VietNamNet đăng tải tuyến bài để cổ vũ tinh thần kinh doanh và chia sẻ với doanh nhân những khó khăn, rào cản hiện tại để hướng đến “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhanh và bền vững.

Bài 1: Nghịch lí của doanh nghiệp

Bài 2: Kích hoạt chính sách hình thành doanh nghiệp tỷ USD

Bài 3: ‘Việt Nam ước tính có 20 tỷ phú’

"Thứ doanh nghiệp cần từ Nhà nước không phải là tiền"

Sau gần 40 năm đổi mới và hơn 30 năm từ ngày Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời, Việt Nam có khoảng 900.000 doanh nghiệp. Chúng ta cũng đã có một số tập đoàn lớn, vươn mình ra quốc tế. Đã có những tỷ phú đô la người Việt xuất hiện...

Nhưng nhìn chung, số lượng doanh nghiệp vẫn còn thấp (9 doanh nghiệp/1.000 dân), tuyệt đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn yếu. 

Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé. Doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa thể so sánh ngang hàng với quy mô, tầm vóc của khối FDI, cũng như xét cả về năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng như hội nhập. 

Đã chưa có một sự trỗi dậy mãnh liệt của tầng lớp doanh nhân giàu có ở nước ta như sự kỳ vọng của những nhà làm Luật Doanh nghiệp hơn 3 thập niên trước.

Quyết tâm đẩy mạnh quy mô, tầm vóc doanh nghiệp Việt được khơi dậy trong Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới được ban hành vào tháng 10 năm 2023. 

Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm "đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Đáng chú ý, Nghị quyết 41 nêu rõ yêu cầu "có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu".

Nếu ví doanh nhân là những người “đi chợ” thì Nhà nước, thông qua cơ chế chính sách là người thiết kế, kiến tạo môi trường đẹp đẽ, minh bạch, tiện lợi thì người đến chợ càng đông, hàng hoá càng dồi dào, giao thương càng phát triển.

Vậy, giới doanh nhân mong đợi gì từ chính sách động lực, đột phá để họ ra sức sản xuất kinh doanh, phát huy hết năng lực, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập cùng thế giới?

z4574860959090 d2ddce139e4b948739a15471f8fd08c5.jpeg
Lô hàng container do Hoà Phát sản xuất được bàn giao để xuất khẩu. Ảnh: HPG

“Muốn nuôi dưỡng các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì chính sách phải rất rõ ràng, phải ủng hộ sản xuất trong nước, chứ thứ mà doanh nghiệp cần từ Nhà nước không phải là tiền”, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long chia sẻ với VietNamNet.

Theo ông Long, hiện nay, nước nào cũng đã lập hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng nhập khẩu tràn vào, đe dọa sản xuất trong nước. Nếu chúng ta không có các hàng rào kỹ thuật thì sản xuất trong nước sẽ cực kỳ khó khăn trước sức ép từ hàng nhập khẩu.

“Để có được các tập đoàn lớn, cách tốt nhất là học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc hay Trung Quốc. Người ta có các chính sách như thế nào thì trên cơ sở đó chúng ta áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Nhưng nói chung phải có các biện pháp đặc biệt”, ông Long bày tỏ.

Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trường Hải Trần Bá Dương cũng phải thốt lên: “Thời gian vừa rồi, chúng tôi rất vất vả để phòng vệ thương mại, phải kiểm soát kỹ các hàm lượng, đặc biệt là nguyên vật liệu và linh kiện phụ trợ từ Trung Quốc”.

Doanh nhân Trần Bá Dương cho hay, trong năm 2024, Thaco xuất khẩu gần 140 triệu USD, thông qua bán cho các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp này xuất khẩu, mang về thêm 20 triệu USD nữa. Riêng về ô tô, trong năm 2024, Thaco có hợp đồng bán linh kiện phụ tùng ô tô cho các nhà sản xuất ô tô như Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu, mang về doanh thu 13 triệu USD.

Theo ông Trần Bá Dương, hiện các doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam là nơi lắp ráp để xuất khẩu hoặc chuyển về, trong đó chúng ta cũng có thể sản xuất từ 35-40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng cho họ. Bởi vậy, Thaco dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2025 với việc tiếp tục triển khai khu công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam nên rất mong các chính sách ủng hộ sản xuất trong nước. 

Ông Dương nhìn nhận, hiện nay, công nghiệp hỗ trợ xuất hiện nhiều trong các ngành nghề. Công nghiệp cơ khí đi sâu vào đời sống nhưng chúng ta chưa có chiến lược rõ ràng. “Lĩnh vực cơ khí hiện đi sâu vào đời sống, đến lao động giản đơn, thậm chí không cần học hành nhiều, thực tế này mang tính lan tỏa và đi vào đời sống công nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi mong cơ quan quản lý xem xét vấn đề này, đây cũng là cơ hội để phát triển công nghiệp nền tảng của Việt Nam cũng như xuất khẩu”, vị tỷ phú bày tỏ.

thaco kia xuong kiem dinh.jpeg
Bên trong nhà máy ô tô của Thaco. Ảnh: Thaco

Tăng chất cho hàng xuất khẩu

“Chúng tôi cho rằng bước đi chiến lược tiếp theo của Việt Nam là phát triển xuất khẩu không chỉ về lượng mà cả vể chất - tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam”, lãnh đạo Tập đoàn Masan trả lời VietNamNet.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng ra những thương hiệu vững mạnh có tiếng vang trên thị trướng quốc tế? 

Như trong vấn đề phát triển công nghiệp khoáng sản công nghệ cao, theo Phó Tổng giám đốc Masan Nguyễn Thiều Nam, hợp tác quốc tế là điều cần thiết để tiếp tục cải tiến kĩ thuật và tham gia sâu vào thị trường thế giới. Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để chủ động liên kết với các tập đoàn khai khoáng lớn, có sở hữu công nghệ lõi, công nghệ cao trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, phát triển ngành công nghiệp chế biến thành ngành công nghiệp nặng mũi nhọn, Chính phủ cũng cần xem xét không đánh thuế xuất khẩu cho các sản phẩm chế biến sâu từ khoáng sản. 

Đối với xuất khẩu hàng tiêu dùng, đại diện Masan kiến nghị Chính phủ ban hành lộ trình và kế hoạch để thúc đẩy chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt, xây dựng hình ảnh thương hiệu ẩm thực quốc gia.

Lý do là bởi, một số tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới. Điều này chứng minh ẩm thực Việt Nam độc đáo, mang bản sắc riêng và đây cũng là một hình thức “ngoại giao văn hóa”, đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ngang tầm quốc tế và khu vực.

Bên cạnh đó, cần có đề án xây dựng cổng thông tin cẩm nang/tài liệu về các tiêu chuẩn kỹ thuật xúc tiến thương mại tại các nước trên thế giới để doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài có thể dễ dàng tham khảo và tiếp cận. 

Song song đó, để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu những thương hiệu có giá trị, phải triển khai chuẩn hóa chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất chế biến đến điểm phân phối với người tiêu dùng trong nước. Đây là cách mà Thái Lan làm rất tốt khi đã xây dựng được một hệ thống cung ứng sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao xuyên suốt.

Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để giao nhiệm vụ

Trả lời VietNamNet, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho hay rất mong chờ về việc thể chế hoá việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ, tập trung tạo điều kiện các doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm, mang tính động lực trong lĩnh vực du lịch, bởi “du lịch không chỉ là một trong những động lực chính của nền kinh tế nước ta mà còn góp phần tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời góp phần nâng cao vị thế đất nước”.

Theo ông, thực tế, với nhiều dự án lớn, có tính chất tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, vùng thì chỉ có một số nhà đầu tư đủ năng lực để làm, nhưng nếu đấu giá, đấu thầu thì sẽ mất rất nhiều thời gian, 2 đến 3 năm, thậm chí nhiều hơn, cuối cùng vẫn chọn những nhà đầu tư đó. Nếu có cơ chế giao nhiệm vụ, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực thì sẽ rút ngắn được thời gian, phát huy tối đa nguồn lực, đồng thời tạo hiệu quả về kinh tế rõ ràng.

“Cần ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để các nhà đầu tư chiến lược được giao nhiệm vụ có thể phát huy được tối đa nguồn lực, đầu tư vào du lịch, dịch vụ tại các địa bàn trọng điểm”, Chủ tịch Sun Group bày tỏ.

Nghiên cứu của tập đoàn này cho thấy, nguồn đầu tư từ nước ngoài cho các sản phẩm bất động sản (BĐS) du lịch đã và đang được triển khai khá hiệu quả ở các nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, UAE,... nhưng tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có chính sách hấp dẫn ưu tiên và tạo thuận lợi cho người nước ngoài mua bán, sở hữu BĐS du lịch.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ ban hành chính sách thí điểm tạo điều kiện thuận lợi cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu BĐS du lịch, bao gồm cả condotel khu vực ven biển đồng thời với cấp visa lưu trú dài hạn.

“Đây cũng có thể coi là một hình thức đầu tư FDI, tăng dự trữ ngân sách ngoại hối... Việc người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam còn góp phần tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, thu hút dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính; thu hút chất xám từ đội ngũ chuyên gia quốc tế”, ông Trường phân tích.

Kích hoạt chính sách hình thành doanh nghiệp tỷ USD

Kích hoạt chính sách hình thành doanh nghiệp tỷ USD

Các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Viettel, Vinamilk... đã rất nỗ lực vươn tầm trong nước, nhưng để họ có thể vươn lên thành thương hiệu quốc tế thì không thể thiếu các chính sách, chương trình hỗ trợ tập trung có mục tiêu rõ ràng ở tầm quốc gia.