Lời xúc phạm đã thốt ra

Những ngày qua, giới đầu tư xôn xao về câu chuyện một doanh nhân, cựu chủ tịch tập đoàn, hãng bay, đăng tải ý kiến xúc phạm một đại gia tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Câu chuyện có thể chìm đi nếu đây là một trang của cá nhân bình thường, người có hành vi xúc phạm buộc phải xóa thông tin đăng tải và có thể bị gọi “lên phường”, chịu phạt hành chính cho hành vi của mình.

Tuy nhiên, sự việc dường như đang đi xa hơn khi chủ tài khoản Facebook lại là một doanh nhân khá nổi tiếng, từng làm lãnh đạo tập đoàn bất động sản và một hãng hàng không.

Những dòng chia sẻ đã được xoá đi và cực chủ tịch tập đoàn nọ đã đăng nội dung xin lỗi.

Câu chuyện càng nóng hơn khi đại diện ngân hàng cho biết, không chấp nhận lời xin lỗi trên vì thiếu chân thành. Phía ngân hàng chờ thông tin chính thức từ phía Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hà Nội và sẽ làm tới cùng việc này.

Doanh nhân ồn ào trên mạng. (Ảnh: VNM)

Doanh nhân có status không đúng mực về chủ tịch ngân hàng nọ cũng từng có giai đoạn làm việc liên quan tại hãng bay và ra đi vì lý do cá nhân. Cùng thời điểm đó phía hãng bay có nhà đầu tư mới liên quan ngân hàng.

Khó kiểm soát hậu quả

Thực tế, những ồn ào trên mạng xã hội hoặc/và việc xúc phạm nhau không làm cho sự việc tốt lên, trái lại khiến tình hình tồi tệ.

Vụ CEO Đại Nam bà Phương Hằng là một ví dụ cho thấy sự việc đi quá xa. Nhiều người kiện CEO Đại Nam và bà Hằng đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín người khác bắt nguồn từ những buổi livestreams hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.

Khi doanh nhân vướng lao lý, tùy vào mức độ của hành vi và hậu quả, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Và thiệt hại không chỉ đến với cá nhân họ.

Theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến phải trên cơ sở pháp luật, tôn trọng pháp luật và tôn trọng các quyền tự do cơ bản khác của công dân. 

Việc bày tỏ thái độ, quan điểm, lối sống, thực hiện các quyền tự do ngôn luận không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân... 

Trước đây, giới đầu tư chứng kiến vụ tai tiếng ông Nguyễn Đức Kiên tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá với AVG và với các cầu thủ.

Hay ông Đặng Thành Tâm vướng vào vụ tranh giành quyền lực tại Đại học Hùng Vương. Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) đã bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT Đại học Hùng Vương để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan đến vụ việc mất đoàn kết, mâu thuẫn nội bộ kéo dài giữa HĐQT và Ban Giám hiệu nhà trường.

Có thể thấy, những vụ tai tiếng phần lớn xuất phát từ quan điểm, thái độ và cách cư xử của những người đứng đầu doanh nghiệp - những doanh nhân vốn được coi là thuyền trưởng chèo lái các DN lớn.

Trong khi hầu hết các chủ DN lớn đều rất kín tiếng, kiệm lời trước công chúng, thậm chí không bao giờ xuất hiện để tránh thị phi, những doanh nhân 'xốc nổi', không kiểm soát được phát ngôn, quan điểm trên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng cả đến thương hiệu, sản phẩm mà họ dày công xây dựng. 

Đâu đó vẫn có những hành động ồn ào trên mạng xã hội, từ những phát ngôn thiếu suy nghĩ, lợi ích nhóm, thái độ xem thường khách hàng… Đó chính là những yếu tố sẽ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, thể hiện cái tầm doanh nhân.

Những lùm xùm giữa lãnh đạo các doanh nghiệp dù nhiều khi tại anh tại ả, sự xúc phạm lẫn nhau chắc chắn không mang tới kết quả tốt đẹp gì.