Công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những thành tố quan trọng góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, nhờ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển của Chính phủ, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước đã được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành đã dần được cải thiện.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn khá yếu khi chỉ có vài doanh nghiệp điện tử tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Còn lại hầu hết chỉ cung cấp những linh kiện có giá trị gia tăng thấp cho các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn lớn thế giới.
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chỉ được xem như "cậu bé còi cọc", khi chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp có thể cung cấp được sản phẩm cho các công ty đa quốc gia.
Dây chuyền sản xuất tại công ty ASG (ảnh: Băng Dương) |
Các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Quy mô rất nhỏ nên phần lớn các mặt hàng này là sản phẩm nhựa, bao bì đóng gói, linh kiện in ấn và những linh kiện có hàm lượng công nghệ thấp.
"Hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu, chi phí sản xuất rất cao do năng lực quản trị chưa giỏi. Lãi suất vay ngân hàng cao nhất thế giới, chi phí lao động ngày càng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp mới đi thuê đất trong các khu công nghiệp cực kỳ đắt đỏ", bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho hay.
Theo Bộ Công Thương, hiện ngành sản xuất xe máy có tỷ lệ nội địa hóa 90%, còn sản xuất ô tô chủ yếu vẫn là lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu. Trong khi đó, lĩnh vực cơ khí, điện tử, nhựa, dệt may và da giày, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ cung cấp những linh kiện đơn giản, còn linh kiện phức tạp vẫn chưa đáp ứng được.
Khó tiếp cận chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ
Mặc dù thời gian qua đã có không ít những chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển của công nghiệp hỗ trợ được ban hành, nhưng theo các doanh nghiệp, phần lớn các chính sách này chỉ mang ý nghĩa động viên về tinh thần do rất khó tiếp cận.
Trong khi các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Không chỉ thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu đất để xây dựng nhà xưởng, mà hiện họ rất cần những chính sách hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả.
Nguồn nhân lực là một trong những khó khăn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (ảnh: Băng Dương) |
Một ví dụ cụ thể là Luật số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế được ban hành từ năm 2014, nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào được hưởng các ưu đãi này. Vì theo quy định của Luật, chỉ doanh nghiệp hỗ trợ nào thành lập sau năm 2015 mới được hưởng ưu đãi thuế, nhưng số doanh nghiệp này lại rất ít.
Không chỉ khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, mà sự liên kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước cũng rất lỏng lẻo. Điều này giống như mỗi doanh nghiệp là một toa tàu, tuy cùng trên một đường ray nhưng lại thiếu những đầu tàu để kéo tất cả cùng đi một hướng.
"Những doanh nghiệp như Samsung, Toyota ở Việt Nam gần như chưa có. Chính vì vậy, cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, Chính phủ cũng cần có các chính sách để hình thành tập đoàn lớn, từ tập đoàn lớn đó hình thành chuỗi cung ứng trong nước, như vậy mới có cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Nguyễn Thị Phương Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương, nhận định.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115 với 7 nhóm giải pháp thiết thực và quyết liệt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, rút kinh nghiệm từ các chính sách đã ban hành trước đây, các bộ, ngành cần sớm cụ thể hóa nghị quyết này với các chính sách hỗ trợ có thể vận dụng ngay vào thực tế.
Nếu không, chủ trương dọn tổ đón đại bàng khó có thể giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà sẽ chỉ thu được tiền thuê đất và nhân công giá rẻ như lâu nay.
Chi Bảo