PV: Thưa bà, bà đánh giá như nào về cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Bà Trương Thị Chí Bình: Những năm vừa rồi, những ngành hạ nguồn trong công nghiệp hỗ trợ khá là phát triển. Trước đây là công nghiệp xe máy, gần đây là công nghiệp điện tử và công nghiệp ô tô. Đã xuất hiện những ông lớn như Vinfast, Thaco, Huyndai Thành Công với những dự án rất lớn nên những cơ hội thị trường đang mở ra rất tốt cho công nghiệp hỗ trợ, tốt hơn rất nhiều so với khoảng 3 năm trước đây.
Sản phẩm CNHT ở Việt Nam phải cạnh tranh được về giá, chất lượng với các nhà cung ứng nước ngoài (ảnh: Thu Ngân) |
Tuy nhiên, nhìn lại công nghiệp hỗ trợ Việt Nam những năm vừa rồi có thế thấy rằng, công nghiệp xe máy của chúng ta khá là thành công. Công nghiệp hỗ trợ có được ngày hôm nay là nhờ công nghiệp xe máy. Sản lượng công nghiệp xe máy rất tốt, người mua rất nhiều nên tự nhiên doanh nghiệp sẽ đầu tư vào, nâng cao năng lực để có thể đáp ứng được người mua.
Thế nhưng trong ngành khác như điện tử, sản lượng cũng rất tốt nhưng chúng ta không làm được? Bởi lẽ, thị trường ngành điện tử hoàn toàn khác biệt. Linh kiện điện tử rất nhỏ, dễ nhập khẩu không cồng kênh như công nghiệp liên quan đến vận chuyển, vận tải. Ví dụ như linh kiện điện thoại di động, người ta rất dễ nhập linh kiện toàn bộ sản phẩm chỉ nằm trên bàn tay thôi nên việc nhập khẩu linh kiện cực kỳ dễ dàng và những linh kiện có gía trị cao thường được sản xuất ở những nước xuất đi toàn cầu. Đây là thách thức trong thời đại toàn cầu hoá.
PV: Bà đánh giá ra sao về năng lực của doanh nghiệpViệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ này?
Bà Trương Thị Chí Bình: Năng lực doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Trong câu chuyện về thị trường, bàn tay của thị trường sẽ quyết định. Không tự nhiên mà doanh nghiệp mạnh lên được mà nó phụ thuộc vào người mua. Nếu người mua yêu cầu thì tự nhiên doanh nghiệp sẽ phát triển.
Một cách khách quan mà nói, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt bởi vì không có thị trường thì doanh nghiệp không thể nào tự đầu tư để thay đổi được.
PV: Chúng ta từng kỳ vọng doanh nghiệp Việt sẽ khá lên nhờ hiệu ứng lan tỏa từ khu vực FDI?
Bà Trương Thị Chí Bình: Việc không lan toả được hiệu ứng từ FDI sang doanh nghiệp nội địa, một phần lỗi rất lớn từ các chính sách của Chính phủ. Chính phủ không có giải pháp ép doanh nghiệp FDI mà cũng không thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề này. Chính phủ để bàn tay thị trường quyết định. Vào bối cảnh toàn cầu hoá, không phải cách đây 20 năm nữa thì câu chuyện dựa hoàn toàn vào bàn tay thị trường sẽ rất khó cho doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Nếu như Chính phủ cùng với việc mời gọi FDI vào đây, với thị trường lớn như thế mà “ép” FDI bằng những chính sách khôn khéo thì có thể kết quả đã khác.
Tuy nhiên, một điểm khó hiện nay là bây giờ chúng ta đã ra nhập WTO, ký rất nhiều FTA rồi nên không thể như có các chính sách bảo hộ như các nước trước đây.
Tôi cho rằng, các chính sách ưu đãi cụ thể của Chính phủ cho ngành công nghệ chế tạo vẫn không rõ ràng và những chính sách vĩ mô cũng không khuyến khích việc liên kết trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, nói một cách đơn giản như cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào đây rất thích vào khu chế xuất vì thủ tục rất đơn giản. Việc xuất nhập khẩu linh kiện trong khu chế xuất rất đơn giản. Như vậy dẫn đến việc doanh nghiệp ngại tìm đến người mua trong nước và như thế nên việc lan toả sang doanh nghiệp Việt Nam còn kém.
PV: Theo bà, chúng ta đang phải đối mặt với các thách thức nào?
Bà Trương Thị Chí Bình: Thách thức phải nói là rất nhiều. Đầu tiên là doanh nghiệp Việt Nam phả nâng cao năng lực để có thể cạnh tranh toàn cầu. Vì đã là chuỗi toàn cầu, mạng lưới sản xuất toàn cầu thì có nghĩa là chúng ta phải cạnh tranh với toàn cầu. Chúng ta không phải cạnh tranh với những nhà cung cấp trong nước mà cạnh tranh với nhà cung cấp trên toàn cầu dù chuỗi đó đang ở Việt Nam, Ví dụ làm cho Samsung hay Canon hay Toyota Việt Nam còn có những nhà cung cấp đến từ khắp nơi trên thế giới gần nhất là từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Ấn độ. Nếu chúng ta không có năng lực cạnh tranh tốt hơn những doanh nghiệp kia thì khả năng gia nhạp chuỗi đấy là rất khó. Đó là thách thức lớn nhất
Tôi tin là doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được thách thức này nếu cơ hội thị trường tốt. Tất nhiên họ sẽ cần thời gian, cần sự hỗ trợ nhất định nhưng họ có thể đáp ứng được điều ấy nếu cơ hội thị trường tốt cho họ.
Dù thế, bản thân cơ hội thị trường cũng có rất nhiều vấn đề. Trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, khách quan mà nói người mua bao giờ cũng có những ưu tiên nhất định cho nhà cung cấp cũ của họ. Nói một cách đơn giản là họ đã hợp tác rất nhiều năm và cùng quốc tịch với nhau chẳng hạn thì bao giờ cũng được ưu tiên hơn là một người bán mới xuất hiện trong chuỗi đấy.
Bên cạnh việc chúng ta phải giỏi, phải rẻ như thậm chí rẻ hơn người ta thì chúng ta cần làm sao để quan hệ với ngừoi ta tốt. Nói một cách giản dị là như thế.
Không thể nào các doanh nghiệp nhỏ có thể tự làm được, họ cần sự hỗ trợ của Chính phủ, cần sự kết nối để trở thành cụm lớn hơn, chứ các cá nhân họ không thể nào nhảy vào cuộc chơi như thế được. Lúc đấy, cần vai trò của Chính phủ và các hiệp hội, của các chương trình hỗ trợ.
Xin cảm ơn bà!
Băng Dương