Amazon Web Services (AWS), công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chiếm thị phần chủ đạo trên toàn cầu, vừa kết thúc sự kiện re:Invent thường niên của họ. Bên lề sự kiện, hãng đã cung cấp nhiều thông tin về điện toán mây nói riêng và xu hướng chuyển đổi số nói chung.
Trả lời ICTnews, ông Conor McNamara – Tổng giám đốc AWS khu vực Đông Nam Á, cho hay hầu hết doanh nghiệp trong tất cả các ngành, từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp cho đến khu vực công tại Đông Nam Á đều có sự tăng trưởng về áp dụng điện toán đám mây trong nhiều hoạt động.
Việt Nam cũng tương tự, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng điện toán đám mây để số hóa hoạt động kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh doanh mới nhằm ứng phó với đại dịch.
Ông Conor McNamara – Tổng giám đốc AWS khu vực Đông Nam Á |
Ví dụ, phân khúc doanh nghiệp có: ngân hàng số TNEX, FE Credit, VPBank, đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ như 30Shine, Điện Quang, và các công ty khởi nghiệp như Med247 và Jio Heath, hay khối dịch vụ công (Khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) là một số khách hàng nổi bật sử dụng đám mây AWS.
Trong danh sách các doanh nghiệp sử dụng đám mây để chuyển đổi số, rõ ràng nhóm doanh nghiệp ở mảng tài chính chiếm ưu thế. Ông Conor thừa nhận thực tế đó và cho rằng mảng tài chính, ngân hàng đang chuyển đổi số mạnh mẽ trong năm vừa qua tại Việt Nam lẫn Đông Nam Á.
Ví dụ Techcombank là trường hợp điển hình. Ngân hàng này không chỉ chuyển một lượng đáng kể các ứng dụng hiện tại lên đám mây mà còn xây mới ứng dụng trên mây. Hoặc như ngân hàng số TNEX cũng là ví dụ về việc sử dụng đám mây để kết nối khách hàng số với đa dạng dịch vụ tài chính.
Dù số lượng doanh nghiệp ứng dụng điện toán đám mây tăng lên tại Việt Nam nhưng ông Conor cho hay qua khảo sát, các doanh nghiệp gặp thách thức về việc liên thông giữa điện toán đám mây và kho dữ liệu tại chỗ. Ví dụ một số mảng truyền thông, giải trí, chăm sóc sức khoẻ và ngân hàng vẫn cần xử lý dữ liệu tại chỗ để giảm độ trễ và quy định về xử lý dữ liệu cục bộ.
Do đó, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên được công ty của Amazon tung ra dịch vụ đám mây lai AWS Outposts. Giải pháp đám mây kết hợp này giúp doanh nghiệp giải được bài toán vừa sử dụng nhất quán dịch vụ điện toán đám mây trên toàn bộ cơ sở hạ tầng CNTT của họ, đồng thời vẫn liên thông được khối dữ liệu tại chỗ.
Do khối lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây tăng lên, AWS đã phải đầu tư các văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM, đồng thời tăng thêm mạng lưới đối tác bán dịch vụ và giải pháp và đưa ra nhiều khoá đào tạo sử dụng dịch vụ.
Về xu hướng chuyển đổi số liên quan đến điện toán đám mây trong thời gian tới, ông Conor cho rằng có 3 yếu tố chủ đạo.
Thứ nhất, khu vực ASEAN đang thúc đẩy một làn sóng đổi mới trên toàn cầu, chủ yếu dựa vào lực lượng lao động kỹ thuật số được trang bị nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện toán đám mây. Do đó, lực lượng lao động hiện tại của các nước phải được đào tạo trong 5 năm tới. Ví dụ tại Việt Nam, công ty khởi nghiệp TechX đang thiết kế và xây dựng các khóa đào tạo khách hàng về đám mây cũng như cách sử dụng công cụ dựa trên đám mây.
Tiếp theo, một xu hướng dễ thấy là số lượng ngày càng tăng các công ty khởi nghiệp trong nền tảng đám mây. Các doanh nghiệp này tận dụng nền tảng kỹ thuật số trên mây để cung cấp dịch vụ cho mọi người ở bất kỳ đâu. Điện toán đám mây cũng giúp công ty khởi nghiệp dễ gia tăng quy mô hơn.
Cuối cùng, ông Conor cho hay nhiều tổ chức tài chính trong khu vực đang sử dụng công nghệ đám mây để khai thác các thị trường chưa được phục vụ. Việc này thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính tại nhiều khu vực ngoài thành thị, giúp đẩy mạnh hiểu biết về tài chính số nhưng vẫn bảo đảm an toàn, bảo mật.
Hải Đăng
Điện toán đám mây Make in Vietnam và cơ hội giành thị phần trên sân nhà
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 - 10 năm tới và là hạ tầng số cho phát Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.