- DN Việt không có phong bì không qua được cửa ải hành chính, trong khi VN mất rất nhiều tài nguyên, ưu đãi về thuế, đất cát và lao động giá rẻ cho các DN nước ngoài.

Đây là trăn trở của ĐBQH kỳ cựu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khi phát biểu sáng nay về luật Cạnh tranh (sửa đổi).

ĐB cho biết, nhiều cử tri, DN quốc nội phản ánh nhiều điểm bất hợp lý, bất công khi hàng hoá, dịch vụ VN vừa phải vất vả giữ thị phần ở nước ngoài vừa phải đấu tranh gian khổ trong nước trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn bán lẻ nước ngoài.

Ưu đãi quá nhiều cho DN nước ngoài

Theo ĐB Nghĩa, chúng ta sẵn sàng đối xử tốt với các DN nước ngoài miễn là tuân thủ luật pháp quốc gia, các hàng rào kỹ thuật.

“Nhưng vấn đề là hàng trăm tỷ đô la xuất khẩu mỗi năm, hàng trăm tỷ đô đầu tư FDI, hàng trăm tỷ đô đầu tư gián tiếp 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực nền kinh tế VN?”, ĐB đặt câu hỏi.

Ông dẫn chứng nhiều nghiên cứu của các chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chỉ rõ VN đã mất rất nhiều tài nguyên, rất nhiều ưu đãi về thuế, đất cát và lao động giá rẻ cho các DN nước ngoài nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Minh Đạt

Phân tích sâu hơn, ĐB cho biết chúng ta đã báo động về tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô, điện tử sau hàng chục năm hầu như vẫn không nhích lên như cam kết của các nhà đầu tư khi vào sản xuất tại VN.

Chúng ta cũng đã đánh mất nhiều thị phần thức ăn gia súc, thuốc thú y, bán lẻ dược phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá nổi lên là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn.... Từng bước các DN Việt bị loại khỏi thị trường trong nước trong khi các cơ quan quản lý hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, mua bán sáp nhập ở tầng trên và ở bên ngoài VN, trốn thuế bằng công nghệ cao...

Ông cũng chỉ ra thực trạng có nhiều DN nước ngoài trong hàng chục năm luôn khai lỗ trong khi doanh số tăng đều, cơ sở luôn mở rộng, sau đó chuyển nhượng với giá cao và thu được số lãi không nhỏ.

“Còn các DN của mình thì bị hạch sách, nhũng nhiều, không có phong bì không qua được cửa ải hành chính, trong khi chúng ta hầu như bất lực với các vụ thắng thầu chỉ nhờ kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao nhưng sau thì đội vốn, thậm chí gấp đôi, giảm tiến độ, gian dối về chất lượng và công nghệ, trong đó có những dự án có vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ”, ĐB chỉ ra điểm bất hợp lý.

ĐB cho rằng thực tế này đang khiến “nhiều DN Việt rơi nước mắt vì bị mất ‘chủ quyền’ ngay trên chính quê hương mình, ngay cả khi được nước ngoài chào mua lại với giá 3 đời ăn không hết”.

Ông cho rằng mỗi luật Cạnh tranh sẽ không giải quyết được mà cần phải có đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật. Tuy nhiên ông kỳ vọng việc sửa luật lần này phải đóng góp nhiều hơn nữa vào việc tăng nội lực cho VN, “nếu không những cái bấm nút của ĐBQH sẽ không tròn trách nhiệm ”.

ĐB đánh giá những nỗ lực vừa qua là là chưa đủ mạnh, trách nhiệm chưa đủ cao. Cần có những biện pháp đột phá.

Luật sẽ đảm bảo cạnh tranh bình đẳng

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng luật Cạnh tranh được ví như bản hiến pháp của thị trường, nhưng thực hiện 12 năm qua vẫn rất mờ nhạt, trong khi thị trường chứng kiến nhiều vụ phi lý như giá xăng giảm, giá vận tải không giảm.

Ông dẫn chứng thêm, hiện nhiều cơ quan vô tư ra lệnh cấm uống bia ngoại tỉnh mà không tính đến đến việc này ảnh hưởng đến cạnh tranh. Điều này do những hạn chế của luật, cơ quan thực thi chưa chủ động phát hiện, trong khi nhận thức người dân, DN còn hạn chế.

{keywords}
ĐB Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Minh Đạt

Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại của QH Nguyễn Sỹ Cương đưa ra thêm bằng chứng về sự cạnh tranh không lành mạnh. Ông cho biết, trong lĩnh vực điện ảnh, rạp của DN ngoại CGV hiện đang có biểu hiện kinh doanh trái phép, chèn ép DN Việt.

"Các nhà làm phim Việt không dễ đưa phim của mình ra rạp, bởi hệ thống rạp gần như rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Trường hợp này, DN Việt dù có liên kết lại với nhau thành bó đũa cũng khó có thể cạnh tranh với đối thủ ngoại", ĐB đánh giá.

Do đó, ông cho rằng vấn đề quan trọng nhất khi sửa đổi luật Cạnh tranh là phải tạo ra bình đẳng trong phát triển kinh tế, hoàn thiện các quy định kiểm soát cạnh tranh, khắc phục tình trạng bỏ lọt hay khó chứng minh hành vi vi phạm cạnh tranh của DN.

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, luật sửa đổi lần này đã đưa ra khái niệm đảm bảo tính thống nhất về cạnh tranh bền vững, bình đẳng.

"Luật cạnh tranh đảm bảo yếu tố vận hành cạnh tranh trên cơ sở nền tảng hậu kiểm, kết hợp giữa tư duy pháp lý và kinh tế. Không có vấn đề gì đáng quan ngại trong chống vi phạm cạnh tranh", Bộ trưởng khẳng định.

Cạnh tranh để ngày càng trong sạch

Cạnh tranh để ngày càng trong sạch

"Một đảng cầm quyền nên chấp nhận cạnh tranh, chính là chấp nhận tự rèn luyện để ngày càng trưởng thành, trong sạch... Nhân dân sẽ giúp loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất...".

Tái cơ cấu: DNNN phải cạnh tranh bình đẳng

Tái cơ cấu: DNNN phải cạnh tranh bình đẳng

Đề án tái cơ cấu kinh tế nêu rõ, DNNN sẽ phải chịu sự áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp kêu phải vắt chân lên cổ chạy thủ tục

Doanh nghiệp kêu phải vắt chân lên cổ chạy thủ tục

Doanh nghiệp kêu phải chạy vắt chân lên cổ may ra mới kịp làm giấy phép xuất nhập khẩu chỉ vì thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá rắc rối.

Vòi tiền doanh nghiệp, Phó chi cục trưởng bị đình chỉ

Vòi tiền doanh nghiệp, Phó chi cục trưởng bị đình chỉ

Dù đã được doanh nghiệp ‘bồi dưỡng’, thành viên trong đoàn kiểm tra tiếp tục nhắn tin đòi thêm tiền nếu không sẽ phạt nặng.

'Có thủ tục là có làm khó, có đánh chén'

'Có thủ tục là có làm khó, có đánh chén'

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”.

Thúy Hạnh