Xung quanh dự thảo sửa đổi luật Lao động đề xuất giảm giờ làm từ 48h xuống 44h/ tuần, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, từ góc độ người lao động nếu phải làm việc nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Theo ông, xã hội phát triển người lao động phải làm việc 48h/ tuần là chưa phù hợp.
'Mục tiêu đặt ra của VN cũng như các nước đều phải giảm giờ làm. Tuy nhiên, thực tế chỉ các nước phát triển mới thực hiện được.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi GDP và tích luỹ nền kinh tế cao lên thì họ giảm giờ làm xuống 40h/ tuần, thậm chí các nước Châu Âu phát triển còn giảm xuống dưới 40h.
Ngay Indonesia khi GDP chỉ 6.000 - 7000 USD họ cũng đã tính đến việc giảm giờ làm, trong khi GDP nước ta hiện nay đang ở mức 5.000 USD”, ông Huân nêu thực tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần giảm giờ làm để người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động |
Từ góc độ DN, nguyên Thứ trưởng đánh giá, đa số DN trong nước quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu; trong khi nội lực nền kinh tế đất nước so với trước tuy có khá hơn nhưng khoảng cách vẫn còn khá xa so với các nước trong khu vực.
Do vậy, nếu phải đặt gánh nặng giảm giờ làm đi liền với giảm năng suất lao động, DN sẽ khó khăn hơn, nhất là khi trên bình diện chung quốc gia DN còn phải tính đến yếu tố cạnh tranh khi đã hội nhập toàn cầu.
"Giảm giờ làm DN sẽ gặp khó khăn, nhưng đây cũng chính là gốc rễ để tăng năng suất lao động. Nếu bây giờ QH quyết định không giảm giờ làm không có nghĩa trong những năm tới không tính đến cầu chuyện này", ông Huân nói.
Giảm chênh lệch thời gian làm việc giữa 2 khu vực
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, năm 2019 năng lực cạnh tranh của VN tăng 10 bậc (từ 77 lên 67) so với năm 2018. Tuy nhiên, có một chỉ tiêu quan trọng là sức khoẻ thì VN lại bị tụt giảm. Do vậy việc giảm giờ làm để nâng cao sức khoẻ cho người lao động được quan tâm đặc biệt.
Hơn nữa, VN hiện là 1 trong 46 quốc gia thực hiện làm việc 48h mỗi tuần, trong khi nền kinh tế VN đã đứng trước 66 quốc gia vùng lãnh thổ.
Từ những con số đưa ra, ông Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn đề ghị QH nhất trí giảm giờ làm cho người lao động xuống 44h/ tuần. Trường hợp giảm xuống 44h Tổng Liên đoàn cũng nhất trí mở rộng khung giờ làm thêm để chia sẻ với nhu cầu của DN trong những thời điểm cụ thể để hài hoà lợi ích DN.
Việc giảm giờ làm là để tái sản xuất sức lao động, để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, học tập, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp.
Hơn nữa, việc giảm giờ làm là áp lực nhưng cũng là động lực buộc chủ DN phải đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, giảm chi phí...
Đại diện Tổng Liên đoàn lao động VN cũng cho biết thêm, hiện nay giờ làm việc của người lao động khu vực công và tư nhân đang có sự chênh lệch. Khu vực nhà nước làm 40h/tuần, khu vực tư nhân là 48h/ tuần. Trong khi đến 2021 lương tối thiểu người lao động của 2 khu vực trên sẽ tiệm cận. Vì thế cần phải giảm giờ làm để kéo giảm chênh lệch thời giam làm việc giữa 2 khu vực.
Nên giới hạn ngành nghề tăng giờ làm?
Về đề xuất tăng giờ làm thêm trong năm từ 300h lên 400h, ông Huân cho rằng chỉ nên giới hạn cho những ngành nghề mang tính thời vụ (chế biến thuỷ hải sản…), những ngành nghề đang thâm hụt lao động gia công các hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Huân có ý kiến cho rằng nếu tăng thêm giờ thì phải trả lương luỹ tiến cho người lao động. Vì vậy phương án của Chính phủ cần phải giải trình rõ hơn để đại biểu QH rõ trước khi chốt phương án.
Đồng quan điểm, ông Ngọ Duy Hiểu nói, chỉ nên tăng giờ làm thêm với những ngành nghề, không quá ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động.
Tăng giờ làm thêm: ĐB thử làm chủ doanh nghiệp xem sung sướng ra sao
Hàng nghìn khó khăn đổ lên chủ DN trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Khi DN làm ăn khó thì việc trả lương đúng hạn, chút thưởng Tết cho công nhân cũng “bạc mặt”.
Vũ Điệp