Lép vế trước doanh nghiệp FDI
Tại hội thảo “Hướng tới sự phát triển bề vững của ngành công nghiệp điện và điện tử Việt Nam” diễn ra agfy 18/9 tại Hà Nội, ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định: Những năm gần đây ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có những bước đột phá trong cơ cấu các ngành công nghiệp trong cả nước, góp phần không nhỏ trong sự tăng trưởng chung của công nghiệp Việt Nam.
Riêng trong năm 2014, giá trị xuất khẩu về điện thoại di động và thiết bị phụ cho điện thoại di động đạt 23,6 tỷ USD, chiếm 67% trong tổng giá trị xuất khẩu của công nghiệp điện tử. Tổng doanh thu tăng trưởng 55,3%. Trong cơ cấu xuất khẩu công nghiệp điện tử, điện thoại chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất (theo Sách trắng CNTT do Bộ TT&TT phát hành năm 2014, điện thoại chiếm 62,86%).
Tuy nhiên, dù công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển rất mạnh nhưng theo các chuyên gia tại hội thảo, thực chất đó là do đóng góp của doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo thống kê chưa đầy đủ của VEIA, các doanh nghiệp FDI dù chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số các doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhưng lại sở hữu nhiều công nghệ cao, chiếm trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim nghạch xuất khẩu.
Theo bà Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành VEIA, một số doanh nghiệp có tỷ trọng lớn trong sản xuất của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam gồm có Samsung, Canon, Microsoft, LG, Intel… Trong đó, Samsung với các nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và hàng loạt nhà sản xuất linh kiện phụ trợ như KSD Vina, Morips Vina, Orientech Vina, Rftech Vina Thái Nguyên, KET Vina, Skybye Vina, Melfas Vina, Dongsung Vina Thái Nguyên…; Canon đầu tư nhà máy sản xuất máy in và photocopy tại Bắc Ninh, Hà Nội; nhà máy điện thoại di động của Microsoft tại Bắc Ninh; nhà máy đóng gói và đo kiểm linh kiện IC tại TP.HCM; LG mở nhà máy tại Hải Phòng cùng một số nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng tại Hưng Yên…
Cùng với sự đầu tư của Samsung, Microsoft, LG…, Việt Nam đang trở thành một trong các trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới, dù kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng cũng giống như ngành dệt may, công nghiệp điện tử của Việt Nam chưa có giá trị gia tăng lớn như nhiều quốc gia. Tỷ trọng công nghiệp điện tử đóng góp vào GDP cả nước chưa xứng với tỷ trọng của ngành điện tử trong kim ngạch xuất khẩu.
“Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu sử dụng lợi thế về nhân công giá rẻ, ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt nhà đầu tư Samsung có rất nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam. Chính vì thế, giá trị gia tăng nằm chủ yếu tại khâu sử dụng nhân công, năng lượng, một số tài nguyên thiên nhiên không tái tạo…”, bà Thúy Hương cho hay.
Doanh nghiệp nội vẫn yếu đủ đường
Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ rõ, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngành điện tử là các doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị, rất ít doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất gốc. Do đó, giá trị gia tăng nội địa của công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn thấp khi so sánh với các nước trên thế giới.
Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công Thương) thẳng thắn cho rằng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn kém phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Lấy ví dụ với trường hợp Samsung Việt Nam. Theo đánh giá của ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra gần đây, Samsung Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư lớn tại Việt Nam với hệ thống 80 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng đến từ 9 quốc gia. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung hiện còn thấp, chiếm chưa đến 10%. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế.
“Doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế khi tham gia vào công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu do chưa có kinh nghiệm cung ứng cho các nhà sản xuất lớn, chưa có hệ thống marketing tiếp cận được khách hàng, thiếu về vốn và yếu về công nghệ…”, đại diện VEIA nói.
Theo con số được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa ra gần đây, Việt Nam chỉ có khoảng 656 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng thay thế trong khi đó có tới 58.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất – một con số rất nhỏ.
Mục tiêu được Việt Nam đặt ra là tới năm 2020 sẽ trở thành quốc gia công nghiệp hóa, trong đó ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ là yếu tố tiên quyết. Vậy, hướng đi nào để cải thêijn năng lực cho doanh nghiệp nội địa?
Tại hội thảo, các chuyên gia dự báo trong vòng 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất và trở thành trung tâm sản xuất điện tử tại Đông Nam Á. Trong vòng 5 – 10 năm tới, các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… sẽ vẫn tiếp tục đầu tư và xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Dự báo nhu cầu máy móc, công nghệ sẽ tăng ít nhất 10%, tập trung vào điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị số, máy tính xách tay, màn hình LCD…
Chính vì thế, muốn gia tăng giá trị nội địa và từ đó tăng GDP của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử cần phải tăng từ việc cung ứng linh kiện cho các nhà sản xuất FDI nêu trên. Đây là một trong những biện pháp cần thiết, có lợi cho cả nhà sản xuất thiết bị cuối và nhà cung cấp linh kiện của Việt Nam.
Để tăng cường cung cấp nội địa các linh kiện cho các nhà sản xuất thiết bị, Việt Nam cần phải xấy dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh và cạnh tranh được về chất lượng, giá cả với các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc cũng như các nước khác. Ngoài ra, cần tăg cường liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thiết lập chuỗi cung ứng từ Việt Nam.
Với lợi thế là trung tâm gia công lớn về điện thoại di động và phụ kiện, máy in, máy photocopy… nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đang có điều kiện ban đầu để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử.
Bà Trương Thị Chí Bình cũng cho rằng, trong tương lai, cơ hội đang mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác, không chỉ điện tử mà còn là nhiều lĩnh vực quan trọng như ô tô, y tế…, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết nắm bắt, đón lấy cơ hội này.
Ở góc độ chính sách, để có cơ sở pháp lý đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hiện nay Bộ Công Thương đang tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những cơ chế, chính sách toàn diện, khả thi và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế.