Theo thông tin được đại diện Samsung Electronics đưa ra tại Triển lãm - Hội thảo Công nghiệp hỗ trợ của Samsung Điện tử diễn ra sáng 15/7 tại Hà Nội, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất của hãng với hơn 100.000 nhân viên trực tiếp làm việc tại nhà máy SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên).
Ngoài ra, Samsung cũng đang phát triển Trung tâm R&D tại Hà Nội với 1.450 nhân viên (đây sẽ là trung tâm đầu não về R&D tại Đông Nam Á). Mới đây, trong tháng 5/2015 Samsung cũng khởi công xây khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung - Việt Nam (SEHC) tại Khu công nghệ cao TP.HCM - SHTP tại quận 9, TP HCM với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD.
Năm 2014, nhà máy Samsung tại Việt Nam sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm smartphone, tablet…, đạt trị giá xuất khẩu 26,3 tỷ USD. Còn trong năm 2015, Samsung đặt mục tiêu đạt 30 tỷ USD.
Trước sự phát triển "nóng" của Samsung tại Việt Nam, một lần nữa câu chuyện năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc trở thành đối tác của Samsung, tham gia vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho hãng một lần nữa được “mổ xẻ” với những tín hiệu chưa mấy khả quan.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, Samsung Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư lớn tại Việt Nam với hệ thống 80 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng đến từ 9 quốc gia. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung còn thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số các nhà cung ứng.
“Các doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Ngay từ khi vào thị trường Việt Nam, Samsung đã có nhu cầu mua linh phụ kiện tại Việt Nam để nội địa hóa sản phẩm song các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được từ sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe... hoặc không đáp ứng được điều kiện sản xuất của Samsung về công nghệ, giá thành. Tính đến cuối năm 2014, cũng chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung sản phẩm bao bì.
Theo đánh giá, doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế khi tham gia vào công nghiệp phụ trợ chủ yếu do chưa có kinh nghiệm cung ứng cho nhà sản xuất lớn, chưa có hệ thống marketing tiếp cận được khách hàng, thiếu vốn, yếu về công nghệ.
Đại diện Samsung cho hay, đây là lần thứ hai Samsung Điện tử Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức hoạt động phát triển công nghiệp phụ trợ. Hãng vẫn tiếp tục tìm kiếm, xem xét để lựa chọn đối tác Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng.
Ông Han Myoungsup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex tại Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy công nghiệp điện tử, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước, chính phủ cần hỗ trợ vốn và chế độ chính sách đầu tư cho doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn các doanh nghiệp phải có quyết tâm cao với tầm nhìn dài hạn, nâng cao năng lực sản xuất, quản trị...
Nhìn nhận ở góc độ chính sách, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhưng qua thực tế triển khai những chính sách pháp luật đó chưa đủ mạnh để giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phát triển đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Để có cơ sở pháp lý đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Bộ Công Thương đang tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những cơ chế, chính sách toàn diện, khả thi và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
“Bộ Công Thương cũng phối hợp với Samsung tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp đủ khả năng trở thành nhà cung ứng trực tiếp hoặc gián tiếp cho Samsung”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.