Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa thông tin về kết quả bình chọn giải thưởng Sao Khuê 2021.

Trong năm thứ 18 được tổ chức, giải thưởng Sao Khuê thu hút gần 300 đề cử từ 161 doanh nghiệp, tăng đến 57,8% so với năm 2020. Đây là con số lớn nhất về số lượng đề cử và doanh nghiệp đăng ký tham gia kể từ khi chương trình ra đời đến nay.

{keywords}
Hội nghị chung tuyển Sao Khuê 2021 đã diễn ra ngày 31/3 dưới sự điều hành của ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng.

Theo đại diện Ban tổ chức, sau 2 tháng triển khai, chương trình bình chọn giải thưởng Sao Khuê 2021 đã hoàn thành 3 vòng đánh giá quan trọng gồm: Sơ loại hồ sơ, Thuyết trình và Hội nghị đánh giá chung tuyển.

Qua vòng Sơ tuyển, đã chọn được 254 đề cử thuộc 140 doanh nghiệp để tham gia vòng Thuyết trình tại 2 khu vực Hà Nội và TP.HCM.

Sao Khuê 2021 ghi nhận sự tham gia vượt trội của các đề cử trong lĩnh vực Chính phủ số với 10 đề cử; lĩnh vực Quản lý, điều hành tổ chức, doanh nghiệp với 18 đề cử; lĩnh vực Kế toán - Tài chính với 19 đề cử, trong đó có nhiều đề cử được các Hội đồng giám khảo đánh giá cao và đề xuất bình chọn Top 10 Sao Khuê.

Vào những ngày 21 và 23/3, vòng Thuyết trình đã diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM do 20 Hội đồng giám khảo gồm 46 chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực chấm điểm và bình chọn. Tiếp đó, trong ngày 31/3 vừa qua, Hội nghị chung tuyển Sao Khuê 2021 đã diễn ra dưới sự điều hành của ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng và ông Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban tổ chức.

Kết quả, hội nghị đã xem xét, phản biện và bảo vệ để chọn ra 182/254 sản phẩm, dịch vụ, nền tảng… xuất sắc sẽ được trao giải thưởng Sao Khuê 2021.

Theo nhận định của các thành viên giám khảo, các sản phẩm, giải pháp phần mềm, dịch vụ CNTT tham gia giải thưởng Sao Khuê năm nay phần đa đều được nâng lên một tầm mới với những công nghệ mới AI, Cloud, Big Data, IoT, Blockchain… phù hợp với xu thế.

{keywords}
Sao Khuê năm nay ghi nhận sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc phát triển các nền tảng số, với 22 nền tảng sẽ được vinh danh. (Ảnh minh họa: Internet)

Đáng chú ý, Sao Khuê năm nay ghi nhận sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc phát triển nền tảng số, với 22 nền tảng sẽ được vinh danh. Đây là hướng phát triển đúng đắn, phù hợp chủ trương của Chính phủ, Bộ TT&TT và chiến lược của VINASA, làm tiền đề hình thành những hệ sinh thái số cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 6/2020 đã xác định phát triển các nền tảng số là một trong những giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Và thực tế, đến nay nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ được các công nghệ cốt lõi, phát triển nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số. Đã có khoảng 40 nền tảng số Make in Vietnam được cho Bộ TT&TT giới thiệu và bảo trợ truyền thông.

Trở lại với giải thưởng Sao Khuê 2021, đại diện Ban tổ chức chia sẻ, phần “gay cấn” nhất trong hội nghị Chung tuyển là lựa chọn các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ CNTT xuất sắc và nổi trội hơn cả để trao Top 10 Sao Khuê 2021.

Các tiêu chí chính để lựa chọn Top 10 gồm có: doanh thu cao, tăng trưởng tốt; công nghệ vượt trội, sáng tạo đột phá và tác động xã hội lớn, hiệu quả trên diện rộng, giải quyết bài toán bức thiết của xã hội…

Hội nghị Chung tuyển mặc dù đã chọn được 10 sản phẩm, giải pháp trao Top 10 Sao Khuê năm nay song danh sách này được Ban tổ chức giữ bí mật đến thời điểm tổ chức lễ trao công bố và trao giải thưởng. Theo kế hoạch, buổi lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 24/4 tới tại Hà Nội.

M.T

Phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp quan trọng đẩy nhanh chuyển đổi số

Phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp quan trọng đẩy nhanh chuyển đổi số

Nhấn mạnh Chương trình Chuyển đối số quốc gia được phê duyệt là dấu mốc quan trọng, đại diện Cục Tin học hóa cho biết, Chương trình đã xác định việc phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp hàng đầu để đẩy nhanh chuyển đổi số.