Thông tin trên vừa được ông Trần Bình Dương, Tổng giám đốc VMG chia sẻ tại lễ ký kết tài trợ Truyền thông giữa VMG và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) được tổ chức ngày 17/2.
Giám đốc VMG Trần Bình Dương chia sẻ tại sự kiện ngày 17/2. |
“OCR” là công nghệ nhận dạng ký tự bằng quang học, được sử dụng để nhận diện ký tự trên định dạng hình ảnh/pdf và trích xuất thông tin trên hình ảnh đó thành văn bản. Còn “eKYC” là quy trình định danh khách hàng điện tử. So với quá trình xác minh danh tính truyền thống, người dùng phải chụp hình khuôn mặt, điền thông tin cá nhân sau đó gửi cho các tổ chức và chờ sự xác nhận từ các tổ chức đó thông qua quá trình kiểm tra và so sánh.
Cho biết VMG đã cung cấp các dịch vụ OCR/eKYC cho Mytel (Myanmar) và Metfone Cambodia từ năm 2021, ông Trần Bình Dương cũng cho hay, khách hàng đã ứng dụng các công nghệ ORC, eKYC vào quy trình đăng ký, kích hoạt SIM, kích hoạt tài khoản ví điện tử hoàn toàn online, tự động không cần tới nhân sự trực tiếp.
“Các dịch vụ này đã giúp tiết kiệm thời gian từ 15-30 phút cho mỗi giao dịch khách hàng tới quầy. Đảm bảo độ chính xác khi đọc các thông tin trên chứng minh nhân dân/ ID Card đó từ 95 - 98%. Đặc biệt, Myanmar và Campuchia là hệ chữ riêng và chữ viết tay (không phải chữ in), đã bị nhoè nét theo thời gian nhưng giải pháp nhận diện của chúng tôi vẫn đảm bảo được tỷ lệ thành công. Dịch vụ này còn góp phần hữu ích trong đợt dịch vì hạn chế tiếp xúc”, đại diện VMG chia sẻ thêm.
Đại diện VINASA và VMG ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. |
Giải pháp Quảng cáo, Truyền thông và Chăm sóc khách hàng bằng tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) cũng là 1 trong những dịch vụ tiêu biểu trong hệ sinh thái các giải pháp công nghệ đã và đang được VMG cung cấp cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Với thỏa thuận hợp tác mới ký kết với VINASA, Công ty VMG cam kết đồng hành cùng Hiệp hội trong quá trình chuyển đổi số, mà trước mắt là hỗ trợ hoạt động truyền thông – quảng bá một cách hiệu quả hơn.
Cụ thể, VMG sẽ tài trợ giải pháp gửi tin nhắn thương hiệu đa nền tảng (SMS và ZNS- Zalo Notification Services) để Hiệp hội gửi tin nhắn với thương hiệu VINASA đến các đại biểu, khách mời, diễn giả... tham dự các chương trình, sự kiện thường niên của VINASA gồm Giải thưởng Sao Khuê, DX Summit Vietnam, DX Summit ASIA, Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam, Smart City Summit...
Theo số liệu của Bộ TT&TT, số lượng thuê bao di động năm 2021 tại Việt Nam đạt gần 124 triệu thuê bao, thời gian sử dụng các thiết bị di động trung bình trong 1 ngày của thuê bao là 5,1 giờ/ ngày và càng có xu hướng tăng hơn trong thời gian đại dịch.
Vì thế, SMS Brandname vẫn đang là một kênh quảng cáo, truyền thông và chăm sóc khách hàng hiệu quả với các ưu điểm như đảm bảo uy tín người gửi do thương hiệu gửi tin phải trải qua 2 vòng kiểm soát của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; quảng bá thương hiệu và thông tin được cập nhật tới khách hàng trong thời gian cực ngắn.
Đồng thời, nâng cao tính chuyên nghiệp trong dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng; là công cụ hữu ích để xác thực thông tin, xác thực giao dịch của khối tài chính, ngân hàng và công nghệ. Tỷ lệ người đọc mở và nhận thông tin từ kênh SMS trung bình là 99%, cao vượt trội so với kênh email marketing.
Do đó, việc các hội viên, đại biểu và khách mời của các hội nghị và giải thưởng trong lĩnh vực ICT do VINASA tổ chức nhận được thông tin quan trọng về các sự kiện, cách thức đăng ký, mã code tham dự... từ những tin nhắn có thương hiệu VINASA hiển thị tại phần người gửi tin nhắn, sẽ góp phần tăng hiệu quả truyền thông sự kiện, đảm bảo thông tin từ Hiệp hội được gửi đến người nhận một cách trực tiếp, cập nhật liên tục, đúng giờ, đảm bảo tính bảo mật và cá nhân hóa.
Được biết, với giải pháp tin nhắn thương hiệu đa nền tảng, VMG cũng dự định thời gian tới sẽ mở rộng triển khai cung cấp tới các khách hàng ở những quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới như Myanmar, Lào, Campuchia...
Đại diện VINASA, bà Vũ Phương Thảo, Giám đốc Ban Sự kiện của Hiệp hội cho hay: Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với VMG được kỳ vọng sẽ là một kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả, giúp cho các hoạt động của Hiệp hội được cập nhật kịp thời, đúng mục tiêu và nhu cầu của doanh nghiệp hội viên.
Vân Anh
Gần 6.000 tên định danh đã được cấp cho các cá nhân, tổ chức
Kể từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/12/2021, Cục An toàn thông tin đã cấp gần 6.000 tên định danh cho các cá nhân, tổ chức. Đơn vị này nhận định, nhu cầu đăng ký sử dụng tên định danh để quảng cáo dịch vụ có xu hướng gia tăng.