Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu. Từ đó, đặt ra bài toán về việc làm sao để đảm bảo tương lai bền vững cho các thế hệ tiếp nối. Trong đó, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp thiết nhất.

Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc vào năm 2018, các nhà khoa học và chuyên gia đã thống nhất giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C sẽ là ngưỡng an toàn giúp chúng ta tránh được những tác động biến đổi khí hậu xấu nhất.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi có một cam kết và hệ thống giải pháp mang tính toàn cầu và cấp thiết. Vào tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia khác đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050. Một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. 

san xuat fb.jpg
Nhiều doanh nghiệp đang tích cực hành động để hướng đến sản xuất an toàn, chất lượng theo tiêu chí xanh và bền vững 

Mục tiêu đạt Net Zero vào 2050 của Việt Nam được xem là thách thức, trách nhiệm nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình kinh doanh và chuyển đổi tăng trưởng bền vững hơn.

Doanh nghiệp sớm thực hiện Net Zero sẽ được hưởng quyền lợi của người tiên phong. Hơn nữa, hướng tới Net Zero là lợi thế bởi đây không còn mang tính tự nguyện như trước nữa mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường toàn cầu.

Nhiều thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… ngày càng khắt khe về cắt giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế, sản xuất thân thiện môi trường… góp phần hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0. 

Còn theo bà Vũ Chi Mai, chuyên gia tư vấn năng lượng thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, để xuất khẩu lâu bền sang thị trường châu Âu thì bắt buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với hiệu quả năng lượng.

Net Zero hiện là yêu cầu cấp thiết của phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thị hiếu tiêu dùng… Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân và người tiêu dùng, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và xây dựng nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh, hướng đến Net Zero.

Trên thực tế, việc chuẩn bị cho lộ trình phát triển bền vững nói chung và Net Zero nói riêng trong thời gian qua cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm và triển khai thực hiện.

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang hướng đến sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng theo tiêu chí xanh và bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, từng ngành, từng doanh nghiệp cần có những cách thức làm riêng. Nhưng theo các doanh nghiệp, cắt giảm phát thải khí nhà kính; chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; hấp thụ khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất chính là ba bước quan trọng để chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh và mục tiêu cao hơn là Net Zero. 

Vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng việc trồng cây, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng khả năng hấp khí nhà kính, giảm phát thải ra môi trường.

Giới phân tích cho rằng, với cam kết “Net Zero”, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Hoài Linh và nhóm PV, BTV