Trao đổi tại hội thảo “Hạ tầng viễn thông băng rộng trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội, ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ TT&TT) nhận định cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ với tốc độ cao, phạm vi sáng tạo đột phá diễn ra trong hầu hết mọi ngành công nghiệp, lĩnh vực… với những công nghệ chủ đạo như Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, in 3D và 4D, công nghệ gen…

Hiện nay có hơn 16 tỷ thiết bị kết nối và dự báo đến năm 2022 sẽ có 29 tỷ thiết bị, lưu lượng di động lên đến 49 exabyte (EB) mỗi tháng (trong khi năm 2016 là 7,2 exabyte).

Mới đây, Cisco cũng dự báo lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu đến năm 2021 dự kiến tăng 7 lần so với năm 2016.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định các thành tựu của công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng trên nền tảng của công nghệ số, trong đó có vai trò quan trọng của hạ tầng viễn thông băng rộng, robot, xe tự hành, đảm bảo an ninh từ xa…, yêu cầu độ trễ thấp, thông lượng lớn và sự sẵn sàng kết nối cao. Ứng dụng thực tại ảo, thực tại tăng cường có khả năng ứng dụng cao và sử dụng rất nhiều dữ liệu di động.

Hạ tầng viễn thông băng rộng, tiên tiến đặc biệt là hạ tầng di động băng rộng rộng khắp là điều tiên quyết cho sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Về vấn đề này, Bộ TT&TT đã sớm trình Chính phủ ban hành chương trình viễn thông băng rộng quốc gia nhằm chuẩn bị bài bản hạ tầng viễn thông băng rộng, đặc biệt là di động băng rộng trên cả nước. Các doanh nghiệp đang triển khai 4G và bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu triển khai 5G.

Ngay từ cuối năm 2016, Bộ TT&TT đã chủ động nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Đảng, Chính phủ về xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như thời cơ thực hiện…

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, tác động khác nhau lên mọi mặt đời sống của xã hội, thay đổi phương thức sản xuất trong xã hội, mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các quốc gia về vấn đề lao động, sự phát triển của các quốc gia…

Trong đó, hạ tầng viễn thông băng rộng và đảm bảo an toàn thông tin đóng vai trò nền tảng, tạo cơ hội kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Theo Bộ trưởng, để tăng cường năng lực quốc gia, sẵn sàng thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nước chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng. Trong cuộc cách mạng này, nhiều nước phát triển có lợi thế hơn các nước đang phát triển về tiềm lực kinh tế, tuy nhiên nếu biết tận dụng cơ hội và các thế mạnh (dân số trẻ, CNTT phát triển mạnh…), Việt Nam sẽ bắt kịp xu thế của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, viễn thông và CNTT có sứ mệnh vô cùng quan trọng, đóng vai trò then chốt và là hạ tầng cho sự phát triển của cuộc cách mạng. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, CNTT cần đẩy mạnh nghiên cứu các ứng dụng mới theo xu thế phát triển tất yếu như điện toán đám mây, IoT…

Đảng và Nhà nước cũng đã sớm có chỉ đạo về việc cần nắm bắt kịp thời xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ đạo những việc cần làm ngay để khai thác, tăng cơ hội và hạn chế những thách thức mà cuộc cách mạng mang lại.

Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan, kết nối với các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ TT&TT trong Chỉ thị 16 là tập trung phát triển hạ tầng, CNTT, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, kinh doanh công nghệ mới.

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đưa ra chính sách định hướng cho các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, tiến tới dịch chuyển dần sang các lĩnh vực mũi nhọn.

Bộ trưởng nhấn mạnh phải thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông băng rộng, đảm bảo chất lượng an toàn bảo mật, sẵn sàng cho việc kết nối các thiết bị IoT phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT-TT, có vai trò then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng các nền tảng trung tâm dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo…

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi mặt của cuộc sống, “thông minh” hóa từng ngành, lĩnh vực (nhất là các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, chính quyền thông minh…).

Phải xây dựng cơ chế chính sách hướng tới phát triển nền kinh tế số, tạo chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập hệ sinh thái mới phát triển các ứng dụng CNTT…

Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền định hướng cho dư luận, để các cá nhân, doanh nghiệp có nhìn nhận đúng về cuộc CMCN 4.0; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Thời gian tới, Bộ TT&TT mong muốn các các nhân, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp… tiếp tục đóng góp đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ TT&TT cùng các bộ, ban ngành liên quan sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng băng rộng tại Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc, sẵn sàng đón nhận các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.