
Những năm gần đây, làn sóng đầu tư của Trung Quốc sang các quốc gia thứ ba diễn ra mạnh mẽ. Các doanh nghiệp của Trung Quốc sản xuất tại những quốc gia là những đối tác thương mại lớn của Mỹ. Đây cũng có thể là một trong những lý do mà Mỹ áp thuế cao đối với những thị trường này. Cho nên, mặc dù xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ giảm, nhưng hiện nay Mỹ đang nhập khẩu từ Trung Quốc gián tiếp thông qua nước thứ ba.
Một số công ty Trung Quốc cũng đang ứng phó với khủng hoảng bằng cách tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Các công ty như TNHH Tianzhen và TNHH Xinbao còn áp dụng mô hình thanh toán giao hàng tại cảng bốc hàng (FOB) để chia sẻ gánh nặng thuế quan một cách khéo léo, qua đó giảm bớt tác động trực tiếp của thuế quan đối với doanh nghiệp của họ.

Trong khi đó, một số công ty khoa học công nghệ và sản xuất cao cấp đã thông qua việc đổi mới công nghệ để chống lại những cú sốc bên ngoài. Các ngành công nghệ và sản xuất cao cấp đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ khi ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhờ vào các rào cản công nghệ và đầu tư liên tục vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Chẳng hạn như trong lĩnh vực chất bán dẫn và thiết bị điện tử, xuất khẩu sang Mỹ của Công ty TNHH Juchen chiếm chưa đến 1% và địa điểm giao hàng của Tailing Microchip chủ yếu tập trung ở các khu vực ngoài Mỹ nên tác động của thuế quan tương đối có thể kiểm soát được. Các sản phẩm màng ePTFE của Pan Asia Microporous (Trung Quốc) không chỉ có lợi thế tiết kiệm chi phí mà các công ty liên kết cũng đã có những bước đột phá trong công nghệ màng trao đổi proton, góp phần phá vỡ thế độc quyền của Gore & Associates của Mỹ và củng cố hơn nữa vị thế thị trường của công ty này. Các ngành hàng tiêu dùng và thương mại điện tử xuyên biên giới đã ứng phó với tác động của thuế quan bằng cách mở rộng thị trường trong nước và chuyển đổi kênh bán hàng.
Để ứng phó với các đợt thuế quan tiếp theo của Mỹ, Trung Quốc đã chuẩn bị một số biện pháp ứng phó tức thời như:
-Cân nhắc tăng đáng kể thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành và cao lương.
-Cấm nhập khẩu gia cầm của Mỹ để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Trung Quốc với lý do tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát thường xuyên tại Mỹ.
-Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc ngừng hợp tác với Mỹ về fentanyl.
-Hạn chế các công ty Mỹ tham gia vào hoạt động mua sắm và hạn chế hợp tác kinh doanh như tư vấn pháp lý.
-Các bộ phận liên quan đang nghiên cứu để giảm hoặc thậm chí cấm nhập khẩu phim của Mỹ.
-Xét đến lợi nhuận độc quyền khổng lồ mà các công ty sở hữu trí tuệ Mỹ thu được tại Trung Quốc, các bộ phận liên quan đang nghiên cứu để điều tra tình hình trên.
Có thể nói, trong ngắn hạn, cuộc chiến thuế quan này sẽ tác động đến nền kinh tế của cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thông qua các chiến lược như mở rộng thị trường nhu cầu trong nước, tăng cường độc lập về công nghệ và đa dạng hóa các đối tác thương mại.
Đồng thời, nước này sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển độc lập các công nghệ then chốt, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ thông qua đa dạng hóa thị trường (chuyển hướng xuất khẩu sang ASEAN, Trung Đông, Mỹ Latinh và các khu vực khác) và biến cuộc chiến thương mại thành cơ hội để tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp của mình.
Sự leo thang trong trò chơi giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ dẫn đến xung đột cục bộ gia tăng. Mỹ có thể mở rộng lệnh trừng phạt đối với chất bán dẫn và năng lượng mới của Trung Quốc, và Trung Quốc có thể nhắm vào các ngành công nghiệp nhạy cảm về mặt chính trị như sản phẩm nông nghiệp và ô tô của Mỹ. Về trung và dài hạn, sự “tách rời” và đa dạng hóa có chọn lọc sẽ cùng tồn tại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc và Mỹ sẽ đẩy nhanh quá trình “tách rời” trong lĩnh vực công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa chip, AI và điện toán lượng tử.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Nhiều bài học có thể tham khảo để dựa trên điều kiện cụ thể của chúng ta mà xây dựng các chính sách phù hợp, trong đó một số khía cạnh chúng ta có thể suy nghĩ đến như:
Thứ nhất, gia tăng tự chủ là chiến lược then chốt, thông qua đổi mới sáng tạo. Chúng ta biết rằng, cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt hơn, các công cụ cạnh tranh sẽ ngày nhiều hơn và phạm vi ngày càng rộng hơn, cường độ ngày càng lớn hơn. Do đó, chúng ta cũng hình dung được một tương lai tương đối khó khăn cho chúng ta. Nhưng nếu như thay đổi cách suy nghĩ và cách nhìn thì đây là xung lực vừa là cú hích mạnh mẽ khiến chung ta đẩy nhanh hơn tiến trình tự chủ sản xuất và công nghệ thông qua việc tận dụng cơ hội từ việc cọ sát giữa các cường quốc. Muốn làm được điều này, việc đầu tư và nghiên cứu và phát triển (R&D) cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và quyết liệt.
Thứ hai, tăng cường vai trò trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có thể tiến hành các biện pháp thu hút mạnh mẽ hơn vốn đầu tư của các công ty công nghệ, nhất là công nghệ cao, điều này giúp cho chúng ta tiếp cận tốt hơn với sản xuất cao và công nghệ tiên tiến của thế giới. Việt Nam cũng có cơ hội tốt hơn để tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nhất là các chuỗi sản xuất và cung ứng của các nước lớn, mặc dù điều này không hề dễ dàng, nhưng rõ ràng là một cơ hội.
Thứ ba, đa dạng hóa đối tác hợp tác sản xuất và thương mại, đồng thời với đó là gia tăng vai trò của thị trường trong nước. Chúng ta cũng chưa khai thác triệt để và giải phóng thị trường trong nước, thậm chí các hàng hóa sản xuất của nước ngoài cùng chủng loại với chúng ta đang cạnh tranh và thay thế chính những hàng hóa mà chúng ta có thể sản xuất được.
Nguyên nhân thì có nhiều, song cốt lõi vẫn là ở chỗ chúng ta chủ quan và bỏ qua chính thị trường rộng lớn trong nước, trong khi lại quá chú trọng vào thị trường nước ngoài. Cho nên, tăng cường hội nhập quốc tế và gia tăng nội nhu là việc làm rất cần kíp để ứng phó với những thách thức từ môi trường toàn cầu, điều này giống như việc Trung Quốc thực hiện chiến lược “tuần hoàn kép” về kinh tế để ứng phó với cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay.

