2.jpg
Người dân nông thôn "bội thực" điện thoại cố định không dây do các doanh nghiệp đua nhau cạnh tranh. Ảnh Thanh Hải.

Bài liên quan:

   Nông thôn "bội thực" điện thoại không dây   

   Một hộ "hưởng" hai máy điện thoại công ích

Các doanh nghiệp viễn thông cho biết, việc đua tranh cung cấp dịch vụ đang dẫn đến tình trạng khu vực nông thôn bị “bội thực” điện thoại cố định không dây. Trong khi đó, Bộ TT&TT cho biết sẽ xiết chặt việc hỗ trợ dịch vụ cho vùng viễn thông công ích (VTCI) để tránh việc chồng chéo và lãng phí.

Doanh nghiệp nói “đau đầu” với cố định không dây

Ông Phan Sỹ Nghĩa, Phó Giám đốc EVN Telecom cho biết, EVN Telecom là doanh  nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ này, nhưng hiện đang bị nhiều doanh nghiệp khác cạnh tranh quyết liệt. Vì vậy những hiện tượng như Báo Bưu điện VN đã nêu đúng là đang xảy ra, nhiều hộ gia đình không có nhu cầu vẫn lắp tới vài máy điện thoại cố định không dây của các nhà cung cấp dẫn tới tình trạng lãng phí cho cả nhà nước và doanh nghiệp. “Hiện EVN Telecom cũng đang rất mệt mỏi về vấn đề này”, ông Nghĩa nói.

Tương tự EVN Telecom, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom thừa nhận, chuyện nhiều bà con vùng cao, vùng sâu bỏ sử dụng điện thoại cố định không dây là một vấn đề khá nan giải.

“Mặc dù miễn phí hết rồi nhưng bà con vẫn bỏ. Nhiều khi bà con chẳng biết gọi cho ai. Mặt khác, vấn đề vướng ở ngay việc hướng dẫn bà con sử dụng dịch vụ. Cần phải đào tạo cho bà con thế nào để bà con sử dụng được dịch vụ và hiểu được lợi ích do điện thoại mang lại. Chúng tôi đã cố gắng đơn giản hoá các hướng dẫn, rồi thường xuyên thăm hỏi bà con xem tình hình sử dụng dịch vụ thế nào. Có thể sẽ phải biên soạn một số tài liệu hướng dẫn bằng chữ dân tộc hoặc ghi băng các bài thuyết trình hướng dẫn bằng tiếng dân tộc để truyền đạt lại cho bà con. Đối với ý kiến nhận định rằng nhiều bà con bỏ sử dụng điện thoại do hết khuyến mãi,  không có khả năng chi trả tiền điện thoại, thì không phải vậy vì đa số là miễn phí thuê bao hàng tháng. Có thể là do không quản lý chặt, bị lợi dụng nên để phát sinh cước cao (như nhắn tin hoặc sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng nhiều), chứ thực ra với mức sử dụng bình thường thì chỉ hết vài chục ngàn đồng/tháng”, ông Dũng nói.      

Một lãnh đạo của Viettel Telecom cho biết, trước tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh quyết liệt dẫn đến việc nhiều hộ nông dân sử dụng điện thoại cố định không dây không đúng mục đích nên Viettel đã tạm dừng lại chương trình phát triển HomPhone để điều chỉnh tránh lãng phí.

Bộ TT&TT sẽ xiết chặt quản lý

Trước phản ánh của báo Bưu điện Việt Nam về tình trạng lãng phí và chồng chéo việc thực thi cung cấp dịch vụ vô tuyến cố định cho vùng công ích, một lãnh đạo Quỹ Dịch vụ VTCI còn cho biết, một vấn đề đáng lo ngại nữa là theo quy định của Nhà nước thì tiền hỗ trợ cho người dân trang bị máy điện thoại khi lắp đặt mới sẽ không đưa trực tiếp cho người dân mà được doanh nghiệp trừ dần vào cước sử dụng hàng tháng.

Nhưng doanh nghiệp lại tính phần hỗ trợ này vào giá máy cộng với phần khuyến mãi do doanh nghiệp tự lo để tặng không máy điện thoại cho người dân, sau đó lại không trừ dần vào cước sử dụng hàng tháng. Hoặc trong trường hợp người dân chỉ dùng hết khuyến mãi là bỏ, phần tiền hỗ trợ mua thiết bị cho người dân chưa được khấu trừ hết nhưng doanh nghiệp vẫn nhận toàn bộ phần hỗ trợ này từ nguồn Quỹ Dịch vụ VTCI. Như vậy là không đúng quy định!

Trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ TT&TT khẳng định, trong một đợt khảo sát mới đây của đoàn công tác Bộ TT&TT tại một số địa phương cũng đã nhận thấy các dấu hiệu vi phạm. Một số doanh nghiệp đã không thực hiện nghiêm túc các chính sách, quy định của Bộ về dịch vụ VTCI.

Ông Hải giải thích, về mặt nguyên tắc, Nhà nước chỉ thanh toán cho doanh nghiệp phần hỗ trợ công ích đã thực khấu trừ. Tuy nhiên, để làm rõ việc này, Bộ đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghĩa vụ công ích yêu cầu thống kê gửỉ báo cáo tình hình cụ thể thực hiện các chính sách, quy định của Bộ về hỗ trợ phát triển dịch vụ VTCI để Bộ kiểm tra, rà soát. Số liệu được tính tới ngày 30/6/2009.

Mặt khác, Bộ cũng đã và đang chuẩn bị thực hiện một số giải pháp nhằm xiết chặt quản lý đối với hoạt động cung ứng dịch vụ điện thoại công ích như: sẽ thành lập một số đoàn kiểm tra thực tế tại các địa phương, đồng thời chỉ đạo các Sở TT&TT tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cung ứng dịch vụ điện thoại công ích tại các địa phương.

“Một giải pháp nữa là sắp tới, khi giao kế hoạch cung ứng dịch vụ viễn thông công ích hai năm 2009-2010 cho các doanh nghiệp, Bộ sẽ không giao xen kẽ như các năm trước mà với 74 huyện thuộc vùng công ích, mỗi doanh nghiệp sẽ được giao một số huyện, hay nói cách khác là mỗi huyện chỉ có một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ VTCI. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng một hộ gia đình có thể dùng tới 2-3 máy điện thoại của nhiều nhà cung cấp”, ông Hải nói.

 

Ông Hồ Quang Thành, Giám đốc Sở TT&TT Nghệ An:

Không nên để cạnh tranh tràn lan, gây lãng phí

Theo quan điểm của tôi, không nên duy trì cạnh tranh ở những vùng công ích bởi đã gọi là công ích có nghĩa là mang tính bao cấp từ nhà nước. Nếu để cạnh tranh, cả ba “ông” Viettel, VNPT và EVN Telecom cùng nhảy vào mà quản lý không tốt thì mỗi hộ gia đình có thể có tới 3 máy điện thoại công ích. Như vậy, chính sách xã hội tăng gấp ba lần, gây lãng phí rất nhiều. Nếu Bộ TT&TT giao việc quản lý VTCI cho các địa phương, Sở TT&TT sẽ tùy theo năng lực của các doanh nghiệp mà tiến hành đặt hàng cung cấp dịch vụ, không để cho cạnh tranh tràn lan, gây lãng phí.

Ông Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên:

Sẽ kiểm tra lại việc cung cấp dịch vụ VTCI chồng chéo

Vấn đề có nhiều hộ gia đình sử dụng 2-3 máy điện thoại vô tuyến cố định đang là tình trạng chung của cả nước, Tình trạng này còn dẫn đến chuyện lẫn lộn giữa khuyến mãi và công ích. Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phải làm minh bạch chuyện đó, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp như phải điều tra kỹ thực tế những hộ gia đình nào đã có máy, gia đình nào chưa để tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí. Tại Thái Nguyên, từ năm 2007 chúng tôi cũng đã thực hiện việc phân vùng cung ứng dịch vụ VTCI cho các doanh nghiệp theo khả năng thuận lợi của doanh nghiệp để tránh tình trạng một hộ gia đình được hưởng 2 máy công ích. Tuy nhiên, nếu ở huyện Đại Từ có nhiều trường hợp như vậy thì Sở sẽ cho kiểm tra lại.

Ông Tô Trọng Tôn, Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai:

Nên phân cấp cho địa phương

Để hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI có hiệu quả, tôi đã nhiều lần kiến nghị nên giao cho địa phương quản lý và dùng ngân sách cho VTCI như các chương trình mục tiêu quốc gia. Địa phương sẽ lựa chọn các doanh nghiệp dựa theo khả năng để đặt hàng dịch vụ ở vùng công ích. Với những doanh nghiệp cố tình không làm ở những vùng công ích, địa phương sẽ không giao cho nhiều việc, như vậy sẽ tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Còn nếu cứ để như hiện nay, thì chỗ nào “ngon”, các doanh nghiệp sẽ làm trước, chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí trong khi các tỉnh không đạt được mục tiêu quan trọng nhất là phổ cập dịch vụ viễn thông ở những nơi khó khăn, không có lợi nhuận.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 84 ra ngày 15/7/2009.