Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, để đoanh nghiệp đã phát triển không chết, doanh nghiệp đó phải không ngừng đổi mới, để bắt kịp những thứ mới.

Nhấn mạnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang biến đổi thế giới trên mọi lĩnh vực, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có một lộ trình cụ thể để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới trong cuộc cách mạng này.

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng có thể thu thập toàn bộ dữ liệu về khách hàng, về nhu cầu của họ, các thói quen… sau đó dùng trí tuệ nhân tạo xử lý để đưa ra giải pháp tức thời. Đây là nền tảng của các công ty thời đại số - “Công ty thời gian thực”, trong đó mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên tính toán của máy móc và khách hàng không phải chờ đợi lâu.

Theo cuộc khảo sát mà Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) thực hiện đối với 275 cơ quan, đơn vị tham dự Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT  Summit 2017 vừa được VINASA tổ chức tại Hà Nội vừa qua, có 35,2% cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN lần thứ 4, trong đó phần đa là các doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng, một số doanh nghiệp CNTT và chiếm số đông nhất là các doanh nghiệp, cơ quan ứng dụng cùng một số cơ quan quản lý CNTT; 58,7% cơ quan, đơn vị đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì, chỉ có 6.1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài ra, đánh giá về những thế mạnh của Việt Nam trong cách mạng công nhiệp lần thứ 4, các đơn vị trả lời khảo sát đã lựa chọn 3 lợi thế/thế mạnh của Việt Nam trong CMCN lần thứ 4 là: nguồn nhân lực (77,7%), Nhận thức & Quyết tâm hành động của Chính phủ (70,4%), và Hạ tầng CNTT & Viễn thông (59,1%).

Cũng theo kết quả khảo sát vừa được VINASA thực hiện và công bố, để hiện thực hóa những lợi thế nêu trên, các cơ quan, doanh nghiệp đã lựa chọn Việt Nam cần tập trung triển khai 3 giải pháp quan trọng, đó là: Đào tạo nguồn nhân lực (81.8%);  Thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%);  Thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%).

Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành nước ta có lợi thế trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bao gồm: CNTT (89,9%), Du lịch (45,7%), Nông nghiệp  (44,9%), Tài chính, Ngân hàng (47%) và logistic (28,3%).

Theo VINASA, cuộc khảo sát nhằm nhìn ra bức tranh sơ lược về nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thế mạnh, các ngành kinh tế có thế mạnh và những nội dung Việt Nam cần triển khai để nắm bắt cơ hội cũng như vượt qua các thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ  tư.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, phát huy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, đào tạo nhân lực CNTT, làm thế nào để mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quản trị, điều hành và phát triển…

“Chúng ta đã nói rất nhiều tới cách mạng công nghiệp 4.0. Chắc chắn trong cuộc cách mạng này chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng ta phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Trong CNTT phải kết nối, chia sẻ với nhau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.