Đây đều là các doanh nghiệp đã có tên tuổi lớn như Bkav, CMC Infosec, Kaspersky, Bitdefender, ESET, Symatec, Trend Micro, F-Secure....
Thời gian qua, tình hình an toàn thông tin Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong năm 2016 và 2017, một số cuộc tấn công mạng sử dụng phần mềm độc hại (mã độc) làm thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều cơ quan, tổ chức ở Việt Nam.
Tính đến hết tháng 4/2018, Cục ATTT ghi nhận, có khoảng 13 triệu lượt địa chỉ IP của Việt Nam truy cập đến các tên miền hoặc IP phát tán, điều khiển mã độc trên thế giới. Khoảng 380.000 địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách đen của các tổ chức quốc tế.
Do vậy, ngày 25/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại. Buổi làm việc được tổ chức ngày hôm nay là một trong các hoạt động được Cục An toàn thông tin tổ chức nhằm thực hiện Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ.
Buổi gặp mặt xin ý kiến các doanh nghiệp về việc chia sẻ thông tin mã độc của Cục ATTT (Bộ TT&TT). |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT là bảo đảm có giải pháp phòng, chống mã độc, bảo vệ cho 100% máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan và có cơ chế tự động cập nhật phiên bản hoặc dấu hiệu nhận dạng mã độc mới.
Giải pháp phòng, chống mã độc được đầu tư mới hoặc nâng cấp cần có chức năng cho phép quản trị tập trung; có dịch vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật 24/7, có khả năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ phần mềm độc hại; có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của cơ quan chức năng có thẩm quyền, tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ TT&TT và quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTTT trao đổi với một đại diện đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực phòng chống mã độc. Ảnh: Trọng Đạt |
Chỉ thị số 14 quy định, các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải có cấu phần phù hợp cho giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, giải pháp phòng, chống mã độc.
Nhiệm vụ được đưa ra với Bộ TT&TT là xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu về mã độc giữa hệ thống kỹ thuật của cơ quan chức năng liên quan với giải pháp phòng, chống mã độc ở các bộ, ngành, địa phương, tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTTT, công việc này không thể thực hiện đơn lẻ mà cần có sự phối hợp của các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực phòng chống mã độc tại Việt Nam.
Do vậy, Cục ATTT đã tổ chức buổi gặp mặt nhằm xin ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp, sau đó các góp ý này sẽ được tập hợp, xử lý và trình lên Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo mật có thể gửi ý kiến đóng góp cho Cục ATTT.
Trọng Đạt - Đỗ Hồng Khanh - Ngọc Ánh