Các nước trên thế giới chú trọng hỗ trợ pháp lý cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trên thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. DNNVV tại các quốc gia đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (từ 97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế.

Các mô hình đầu tiên, xuất hiện từ đầu thập niên 1950 trên thế giới, nhìn nhận khu vực DNNVV như một thực thể yếu đuối cần bảo vệ, do vậy, chính phủ các nước theo trường phái này đã xây dựng các chính sách phát triển DNNVV theo chiều rộng nhằm chủ yếu thực hiện các mục tiêu chính trị, xã hội như giải quyết công ăn việc làm hay phát triển cân đối vùng.

Do vậy, các chính sách phát triển DNNVV được đặt ra vào thời điểm đó thường không mang các yếu tố khách quan mà chủ yếu là để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra, nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị. Các DNNVV được xem là những cứu cánh để tạo ra công ăn việc làm, hay là động lực chính để phát triển cân đối vùng và đồng thời cũng được xem là lực lượng đối trọng đối với sự tập trung quyền lực kinh tế của các doanh nghiệp lớn.

Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh Châu Âu (EU)… và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV. Công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của các quốc gia và đã được các quốc gia này luật hóa từ nhiều thập kỷ trước.

Hầu hết các quốc gia đã thể chế hoá hỗ trợ DNNVV dưới hình thức đạo luật hoặc luật (Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…). Thậm chí ở một số quốc gia, việc bảo vệ, hỗ trợ DNNVV được quy định trong Hiến pháp như Hàn Quốc. Thông qua việc sớm ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV hoặc doanh nghiệp nhỏ, các quốc gia đã thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này phát triển và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế.

Trong những thập niên gần đây, hệ thống doanh nghiệp này đang là mục tiêu trọng tâm của các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của các quốc gia. Nhiều chương trình và chính sách đã được chính phủ các nước triển khai thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV.

Hỗ trợ DNNVV thông qua các cơ cấu thể chế đã có sự thay đổi dần mang tính chất toàn cầu, trong đó nội dung khác biệt cơ bản được thể hiện qua vai trò của Nhà nước trong sự can thiệp vào thị trường để phát triển khu vực doanh nghiệp này.

Hỗ trợ pháp lý Brothers.jpg
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng cần được hỗ trợ pháp lý.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được ưu tiên hỗ trợ pháp lý

Tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.

Đảng và Nhà nước đã chủ trương sớm xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97,7% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động) làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, các DNNVV tại Việt Nam là những đối tượng cần được hỗ trợ pháp lý nhất bởi nhiều lý do:

Thứ nhất, DNNVV hiện nay chưa có đủ nguồn lực cũng như chưa sự hỗ trợ cần thiết để có thông tin pháp lý, kiến thức pháp lý phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Chính vì vậy, cần có nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ họ lớn hơn, mạnh hơn, đủ năng lực pháp lý để tự bơi trong thương trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Thứ hai, việc hỗ trợ pháp lý cho các DNNVV xuất phát từ chính thực tiễn khó khăn của của các doanh nghiệp này trong việc tiếp cận các thông tin pháp lý, các vấn đề pháp lý. Vì vậy cộng đồng DNNVV đã kiến nghị lên các cơ quan, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan về việc hỗ trợ này.

Thứ ba, trên thực tiễn, các DNNNV với quy mô nhỏ lẻ lại rất dễ "dính" những vấn đề liên quan đến hợp đồng, tranh chấp pháp lý hay các vấn đề về bản quyền do ít được tiếp cận, cập nhật thông tin hoặc chưa có nhân sự chuyên trách có đủ chuyên môn. Do vậy các DNVVN rất cần một cơ quan, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý khi vướng mắc vào các vấn đề.

Trên thực tế, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ năm 2017 cũng quy định về việc xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành về hoạt động mạng lưới.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đổi mới hoạt động và thực hiện hỗ trợ pháp lý cho các DNNVV thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để cộng đồng doanh nghiệp có đủ năng lượng để phát triển đột phá trong giai đoạn mới.

Cùng với đó là việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp đang được hoàn thiện để góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.

Có thể nói hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong điều kiện kinh tế, xã hội như hiện nay ở nước ta. Đó là khâu then chốt nhằm ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh và góp phần hạn chế rủi ro pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.

Huyền Sâm và nhóm PV, BTV