Nhiều trở ngại với doanh nghiệp nhỏ

Tháng 10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử. Nghị quyết này nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ và hiệu quả trong 3 năm từ 2015 đến 2017 để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, xây dựng Chính phủ điện tử. Một trong những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 36a là đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3; đồng thời tích cực triển khai để cung cấp dịch vụ công mức độ 4.

Đáng chú ý, Nghị quyết 36a nêu rõ định hướng của Chính phủ về việc “đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp… để cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến”. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng có ghi: “Các doanh nghiệp CNTT lớn, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ tham gia xây dựng, vận hành hệ thống thông tin để phục vụ quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương tới doanh nghiệp, người dân”.

Tuy nhiên, trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Thế Hùng, CEO của Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam cho biết, đối với những dự án CNTT triển khai cho các cơ quan nhà nước, khối Chính phủ, đặc biệt là các dự án CNTT “tầm cỡ” đòi hỏi giá trị dự án lớn cũng như hồ sơ năng lực phải tốt,  thường chỉ có những doanh nghiệp lớn trong ngành CNTT mới nhận được; còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có cơ hội tham gia. Ông  Hùng nhấn mạnh: “Với những doanh nghiệp làm phần mềm nguồn mở thì khó khăn trở ngại trong việc tiếp cận các dự án CNTT ở khối Chính phủ còn nhiều hơn”.

Ông Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù Nghị quyết 36a của Chính phủ có nêu ra phương án “các doanh nghiệp CNTT lớn, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ tham gia xây dựng, vận hành hệ thống thông tin…”, tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy, không có chuyện các doanh nghiệp lớn “chia sẻ” công việc cho các doanh nghiệp nhỏ. “Với các doanh nghiệp lớn, công nghệ của họ thường là độc quyền, không có cơ hội, không có sân chơi cũng như không có cách thức nào để các công ty nhỏ có quyền tiếp cận một cách bình đẳng hoặc tương đối bình đẳng vào những dự án do các doanh nghiệp lớn này triển khai”, ông Hùng chia sẻ.

Mặt khác, ông Hùng nhận định, với các hệ thống phần mềm nguồn đóng, việc huy động các công ty khác nhau cùng tham gia xây dựng và cung cấp dịch vụ là điều khó xảy ra. Ông Hùng lý giải: “Với phần mềm nguồn đóng, các doanh nghiệp thông thường không tiết lộ bí quyết công nghệ của công ty mình, do đó việc phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp khác càng trở nên khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay vẫn chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn để các dịch vụ khác nhau cung cấp cho Chính phủ có thể làm việc được với nhau”.

Trước đó, những băn khoăn liên quan đến vấn đề hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp CNTT trong việc triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử đã được lãnh đạo một số doanh nghiệp CNTT chia sẻ tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 36a được Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức hồi cuối năm 2015.

Đơn cử như, Tổng Giám đốc CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, trong Nghị quyết 36a có ghi “Các doanh nghiệp CNTT lớn, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ tham gia xây dựng, vận hành hệ thống thông tin để phục vụ quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương tới doanh nghiệp, người dân”, nhưng không rõ tiêu chí thế nào để đánh giá doanh nghiệp CNTT lớn và doanh nghiệp CNTT nhỏ?

Đồng quan điểm với lãnh đạo CMC, Tổng Giám đốc NetNam Vũ Thế Bình cũng đưa ra câu hỏi: Điều khoản này không rõ là doanh nghiệp nào? “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo doanh nghiệp CNTT lớn phải tạo điều kiện doanh nghiệp nhỏ. Nhưng chúng tôi đang vẫn đang phải chờ đợi doanh nghiệp nhà nước lớn suy nghĩ hợp tác”, ông Bình cho biết.

Doanh nghiệp nguồn mở “tham chiến” thị trường dịch vụ công trực tuyến

Những khó khăn nêu trên chính là một trong những lý do để các doanh nghiệp phần mềm nguồn mở - đa phần là doanh nghiệp nhỏ đã đưa ra sáng kiến thành lập cộng đồng OpenCPSđể cùng nhau phát triển một hệ thống phần mềm lõi đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Với việc huy động nhiều doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia phát triển, tiêu biểu như các doanh nghiệp NetNam, CMCSoft, VINADES, FDS, Ecomviet, iWay…, cộng đồng OpenCPS kỳ vọng sẽ tạo ra hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nghiệp vụ của tất cả các thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước, cung cấp giải pháp công nghệ sẵn sàng cho việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất (mức độ 4) và các mức độ thấp hơn mà không cần phải lập trình bổ sung ngoài phần xử lý nghiệp vụ cho từng chuyên ngành. Ngày 16/5 vừa qua, phiên bản chính thức đầu tiên (V1.0) của phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến OpenCPS đã được phát hành. Dự kiến phiên bản OpenCPS với đầy đủ các chức năng sẽ được ra mắt vào ngày 15/8 tới.

Ông Trần Kiêm Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS, đại diện cộng đồng OpenCPS cho biết, phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến sẽ được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Khách hàng sẽ chỉ phải trả phí khi thuê các doanh nghiệp thành viên của OpenCPS cung cấp dịch vụ hỗ trợ triển khai và bảo trì hệ thống, do đó 13 doanh nghiệp tham gia cộng đồng OpenCPS sẽ chỉ cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ.

“Sau này, giả sử như khách hàng không hài lòng với dịch vụ của Công ty FDS có thể chuyển sang thuê dịch vụ hỗ trợ của công ty khác trong OpenCPS. Đặc biệt là, khách hàng, cụ thể là các cơ quan nhà nước sẽ không bị phụ thuộc vào một nhà thầu. Khi thay đổi đơn vị cung cấp dịch vụ, khách hàng vẫn triển khai trên sản phẩm đó, không bị gián đoạn, tránh chuyện một công ty làm, sau đó không làm nữa, hệ thống sẽ bị bỏ”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ở góc độ của một cơ quan trực thuộc Bộ TT&TT, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) khuyến nghị, bên cạnh việc phải tiếp tục phát triển cộng đồng, kéo thêm nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm, cộng đồng OpenCPS cần quan tâm đến việc bảo vệ an toàn cho sản phẩm để có thể sẵn sàng xử lý các sự cố khi sản phẩm bị mất an toàn, bị phát hiện có lỗ hổng. “Chúng ta phải song hành  1 cộng đồng phát triển sản phẩm và kèm theo đó là phát triển các giải pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn bảo mât cho sản phẩm đó”, ông Đường nhấn mạnh.