Mong muốn triển khai dự án 4,6 tỷ USD ở Bình Định
Cách đây ít hôm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã tiếp và làm việc với ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE (Đức) để thảo luận về dự án điện gió ngoài khơi trị giá 4,6 tỷ USD.
Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các dự án điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi, Tập đoàn PNE đã đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định với quy mô công suất 2.000 MW, được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn dự án đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ USD).
Việc PNE quan tâm đến điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đánh dấu sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, sau khi một số nhà đầu tư đã rút lui. Điều này cũng đặt ra vấn đề cần sớm hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này.
Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định hồi tháng 8 đã khẳng định bộ ủng hộ dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định. Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng đề án thí điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi. Nhưng vì điện gió ngoài khơi gắn với an ninh quốc gia, cho nên ban đầu dự kiến chỉ có những tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia việc này.
Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị liên quan ủng hộ địa phương theo hướng gợi ý để liên doanh, liên kết với một trong các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án. Bộ cũng sẽ đề xuất với Chính phủ cho thí điểm 1 tập đoàn nước ngoài vào đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết về chất vấn, Bộ Công Thương cho biết sẽ phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000MW) để sản xuất điện và năng lượng mới. Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 – 91.500 MW.
Cần sớm ban hành cơ chế cho điện gió ngoài khơi
Bàn luận về lối đi cho điện gió ngoài khơi, TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ở Việt Nam điện gió ngoài khơi có tiềm năng tốt, nhất là vùng Nam Trung Bộ, do đó, việc đăng ký diện tích biển để khảo sát, đầu tư thực hiện đang “cháy chỗ”.
Theo TS. Dư Văn Toán, hiện có 4 vướng mắc của dự án điện gió ngoài khơi theo xác định của Bộ Công Thương: Chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi.
Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII. Các vướng mắc về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Ông Toán nhìn nhận câu chuyện quy hoạch cần Luật Điện lực (sửa đổi) sớm rà soát tới vấn đề cấp phép với các tiêu chuẩn đo lường.
Từ thực tế đó, TS. Dư Văn Toán đề xuất có cơ chế để phục vụ dự án thí điểm, kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, với quy mô ở mức 1.000 MW - 2.000 MW, đồng thời quy định thời gian, giá cả triển khai.
Góp ý cho dự thảo Luật Điện lực, Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị cần có cơ chế giao Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ quy định, quyết định cụ thể các nội dung về chủ trương đầu tư; phân kỳ giai đoạn phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với năng lực và trình độ phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng; Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió...
Ngoài ra, Chính phủ cần quy định về Công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi; các quy chuẩn/tiêu chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến công tác đầu tư xây dựng cho lĩnh vực đầu tư điện gió ngoài khơi (Bao gồm: Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đầu tư); Ban hành khung chính sách giá, cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi; Cơ chế ưu đãi, khuyến khích đối với các dự án điện gió ngoài khơi và cơ chế bán điện/xuất khẩu điện trực tiếp ra nước ngoài từ nguồn điện gió ngoài khơi.