Dự án Nhà máy sản xuất chỉ may thêu phục vụ ngành dệt may và da giày của Tập đoàn Amann (Đức) đầu tư tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam), theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 6/2019. Tuy nhiên, tiến độ của dự án đã được đẩy sớm hơn 2 tháng.
Kraig Biocraft Lab Laboratory Inc - hãng sản xuất sợi tơ nhện nhân tạo của Mỹ cũng đã triển khai thỏa thuận hợp tác giữa công ty và một số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để phát triển công nghệ và sản xuất lụa cao cấp tại Việt Nam. Kraig Biocraft Lab Laboratory Inc sẽ thành lập công ty con tại Việt Nam và mở một trung tâm nghiên cứu và sản xuất sản phẩm lụa. Dự kiến, 2.500 ha dâu sẽ được trồng phục vụ cho sản xuất tơ nhện Prodigy trong vài năm tới.
Các doanh nghiệp ngành sợi trong nước cũng đã tích cực sản xuất, gia tăng sản lượng. Trong quý I/2019, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã sản xuất ổn định và liên tục 10 dây chuyền sợi DTY, cung cấp cho thị trường trong nước và các đối tác Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan gần 2.000 tấn sợi DTY. Căn cứ trên nhu cầu thực của thị trường, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ cũng đã đưa thêm 2 dây chuyền sản xuất mới vào vận hành, nâng công suất phân xưởng sợi DTY lên khoảng 900 tấn sợi/tháng.
Sự gia tăng các dự án sản xuất sợi cũng kéo theo các nhà cung cấp thiết bị máy móc vào Việt Nam. ẢAnhrminh họa. |
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hoạt động đầu tư vào ngành này sẽ khá sôi động trong năm 2019 - 2020. Sự gia tăng các dự án sản xuất sợi cũng kéo theo các nhà cung cấp thiết bị máy móc vào Việt Nam. IllIES Vietnam - một doanh nghiệp của Đức cũng đã công bố sẽ đầu tư một trung tâm sửa chữa các bộ phận cơ và điện của hệ thống máy kéo sợi xơ ngắn do Tập đoàn Rieter cung cấp tại Việt Nam.
Song có một nghịch lý, nguyên liệu sợi cho sản xuất vải của ngành dệt may Việt Nam vẫn chủ yếu thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, hàng năm, Việt Nam xuất khẩu một lượng lớn xơ sợi sang các thị trường. Theo lý giải của ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam, khâu dệt nhuộm của ngành phát triển quá chậm, không tiêu thụ được hết nguồn sợi trong nước. Bên cạnh đó, một số loại sợi sản xuất trong nước chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu nên mới có tình trạng trên.
Để giải quyết mâu thuẫn trên, đồng thời tạo nguồn sợi bền vững cho các doanh nghiệp ngành may sử dụng, tận dụng được ưu đãi từ CPTPP, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam góp bàn: Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may. Cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý cho triển khai CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác để ngành phát triển bền vững.
Trúc Linh