Chia sẻ về bài toán vốn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với báo VietNamNet, các doanh nghiệp đều than phiền là “bất khả thi”.

Bà Trần Thị Thu Trang, TGĐ Công ty Điện tử Hanel PT cho biết, doanh nghiệp sản xuất đã 20 năm nay, nhưng luôn phải vay với lãi suất theo thị trường mà chưa hề tiếp cận được gói ưu đãi vốn nào. Năm 2019, công ty có dự án mở rộng nhà máy nhưng khi đặt vấn đề với cơ quan quản lý thì được trả lời rằng, chỉ dự án đầu tư mới thì mới được ưu đãi.

{keywords}
Doanh nghiệp nản vì ưu đãi vốn cho công nghiệp hỗ trợ còn trên giấy

“Chúng tôi tôi vay vốn rất dễ vì chúng tôi làm tốt và hàng năm có hiệu quả cao. Nhưng vấn đề không phải là được vay vốn mà là vay với lãi suất nào?”, bà Trang nói.

Theo bà cho biết, lãi suất dành cho doanh nghiệp có lúc là 11%, rồi đột ngột tăng lên 15%. “Tôi không hiểu 3 – 5 năm nữa, ngân hàng có tăng lên 20% như năm 2011 nữa không. Một chính sách vốn và lãi suất như vậy là rất rất rủi ro cho DN. Một DN muốn có chiến lược dài hạn cần nắm được môi trường chính sách ảnh hưởng thế nào. Chúng tôi làm xuất khẩu linh kiện, thu về bằng USD nên chịu ảnh hưởng rất lớn khi có biến động lãi suất như vậy”, bà Trang cho hay.

Bà Trương Thị Chí Bình, PCT kiêm TTK Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng cho biết, vay vốn với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì không khó. Vấn đề là vay được với tín dụng tốt, lãi ưu đãi thì khó.

{keywords}
Doanh nghiệp nản vì ưu đãi vốn cho công nghiệp hỗ trợ còn trên giấy

“Các ngân hàng thương mại rất sẵn lòng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vay nhưng phải có thế chấp và lãi suất vay theo thị trường. Trong khi ngành sản xuất này khá đặc biệt, thâm dụng vốn, lợi nhuận thấp và chậm thu hồi vốn hơn….”, bà Bình nói.

Theo bà Bình, nếu có ưu đãi thiết thực thì doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong đầu tư mở rộng sản xuất hơn và như thế, công nghiệp hỗ trợ mới phát triển được. Cho đến thời điểm này, việc tiếp cận tín dụng hấp dẫn ở Việt Nam đối với công nghiệp hỗ trợ gần như rất ít.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho hay, hàng năm, VCCI tiến hành khảo sát điều tra lớn với 12.000 doanh nghiệp trong 63 tỉnh thành phố. Để trả lời câu hỏi doanh nghiệp gặp khó khăn gì nhất, doanh nghiệp thường liệt kê tiếp cận vốn là khó khăn đầu tiên và trong nhiều năm liền.

“Trong nhiều năm, doanh nghiệp Việt Nam thường phải vay các khoản vốn với lãi suất rất cao so với doanh nghiệp các nước. Lãi vay lên tới 8- 9 hay hơn 10%, trong khi doanh nghiệp các nước tiếp cận được với nguồn vốn với lãi suất rất hợp lý, thấp hơn. Đây là một điểm cạnh tranh khó khăn bởi rõ ràng chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang đắt đỏ hơn so với doanh nghiệp các nước”, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá.

 

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Nghị định 111 sau khi ra đời có hiệu lực cho đến nay đã cấp được 70 chứng nhận ưu đãi. Vậy, 70 so với 1 DN duy nhất trước đây là sự cải thiện rất lớn trong cùng khoảng thời gian như nhau. Tuy nhiên, chúng ta so sánh 70 so với con số vài nghìn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện tại thì chúng ta thấy con số này là nhỏ.

“Quy định cấp ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ chỉ được đưa vào trong danh mục các ngành ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư và theo Luật thuế, bắt đầu từ 2015 trở đi. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được hình thành từ rất lâu, hầu hết các dự án đều trước năm 2015 và những dự án như vậy thì không được hưởng ưu đãi”, bà Thuý cho hay.

Cuối cùng, chỉ có các dự án FDI đầu tư vào là các dự án mới, biết đến thông tin này là làm được thủ tục xin cấp ưu đãi để chuẩn bị cho hoạt động đầu tư của họ.

Bà Thuỷ phân tích, một bất cập khác là, các c kết quả hoạt động, đóng góp của doanh nghiệp khi hoạt động thì không được đánh giá, xem xét. Tức là một doanh nghiệp dù sau khi đi vào hoạt động, dù hoạt động tốt hay xấu có đóng góp nhiều hay ít… thì không có chính sách ưu đãi nào dựa vào đó để làm căn cứ. Chính sách như vậy là không khuyến khích được cho doanh nghiệp có những đóng góp lớn hơn, có hoạt động tốt hơn.

Đồng tình với các bất cập này, bà Trương Thị Chí Bình còn cho biết thêm, VASI có 200 thành viên nhưng các thành viên đều cho rằng, không thể tiếp cận được vốn. Thực tế, đã có một số công ty rất nhiệt tình nộp hồ sơ xin xác nhận ưu đãi để được hỗ trợ, trong đó, có công ty lớn trong công nghiệp hỗ trợ Việt Nam như Bắc Việt. Công ty đã được xác nhận ưu đãi nhưng kết quả thực tế lại không được gì. “Được vạ thì má cũng sưng”, bà Bình nhấn mạnh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, lý do nằm ở chỗ cơ cấu phân mảng hiện nay trong quản lý. Bộ Công Thương có thể rất muốn ưu đãi cho DN nhưng các cơ quan khác như Bộ Tài chính, các địa phương lại phải lo vấn đề nguồn thu ngân sách.

Sắp tới, chính sách cấp bù lãi suất theo Nghị quyết 115 được kỳ vọng đi vào thực tế nhưng phải làm sao để không gây méo mó thị trường.

“Trách nhiệm của các cơ quan ban hành chính sách, không phải là ban hành ra chính sách là xong việc, mà làm sao bước tiếp theo là việc thực thi chính sách đấy. Điều rất quan trọng trong thời gian tới là thiết kế một quy trình để có thể thẩm định, đánh giá độc lập để xem chính sách đấy đã vào cuộc sống hay chưa. Sau đó đánh giá thành công của chính sách để chúng ta có bài học kinh nghiệm hỗ trợ DN tốt hơn”, ông Tuấn nói.

Băng Dương