Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ TT&TT phản ánh vướng mắc của hải quan địa phương và doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin.
Theo đó, trang tin của Tổng cục Hải cho biết một doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động của nhà sản xuất Bitmain, Antminer L3+ được lắp đặt từ chip đồ họa để phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi SHA256 (thị trường gọi đặc trưng là bitcoin), tiếp theo đó có thể tách ra ghép vào các máy tính chạy đồ họa thông thường. Các máy này được Bitmain gia công riêng thay vì ghép bởi các card màn hình (VGA) như ở Việt Nam.
Tuy nhiên, căn cứ Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP thì mặt hàng nêu trên chưa được định danh cụ thể. Đồng thời, cơ quan này cho hay hiện chưa có quy định nào về thủ tục, điều kiện và hình thức quản lý đối với loại máy móc trên.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xác định tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, việc nhập khẩu một số lượng lớn máy tính không liên quan đến sử dụng tiền ảo dưới góc độ là phương tiện thanh toán; do đó, không xác định mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin thuộc diện cấm nhập khẩu hay nhập khẩu phải có giấy phép.
Như vậy, hiện vẫn chưa có chính sách quản lý đối với mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin để cơ quan hải quan có cơ sở giải quyết thủ tục hải quan khi doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu.
Khái niệm bitcoin dù không còn mới mẻ nhưng đến thời điểm này vẫn còn là một xu thế khá mới tại Việt Nam. Và ngày 23/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo”.
Theo đó, đề án được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; Mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; Vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật.
Đề án này cũng rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam, kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan Nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan; Đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng và các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của CNTT, thương mại điện tử.
Đồng thời, trong đề án mới, Thủ tướng Chính phủ phân công rõ trách nhiệm cho từng Bộ, ngành và lộ trình thực hiện cho các Bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề đặt ra để sớm có khung pháp lý hoàn thiện để quản lý các đồng tiền ảo.