Đó là thực trạng chung và là nỗi lo nhiều tháng qua của các doanh nghiệp, cơ sở thu mua hải sản tại tỉnh Quảng Bình. Từ giữa tháng 3 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này đã thu mua hải sản cho ngư dân rồi vận chuyển xuất khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc.
Hàng chục tấn cá trở lại Quảng Bình vì không thể xuất khẩu. |
Tuy nhiên, vì không thể thông quan hàng hóa, các doanh nghiệp lại phải chở hàng trăm tấn cá quay trở về.
Công ty TNHH Vũ Lâm, có địa chỉ tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong những doanh nghiệp đã phải chở cá quay đầu khi không thể thông quan để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo bà Đặng Thị Liên, giám đốc doanh nghiệp này, cho biết sau khi thu mua cá hố từ ngư dân các thủ tục được hoàn thiện, xe được thuê để vận chuyển ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không cho làm thủ tục thông quan, nhiều xe cá của doanh nghiệp này phải nằm chờ tại cửa khẩu cả tuần dẫn đến hư hỏng, sau đó đành phải quay đầu trở về.
Số cá không thể xuất khẩu hư hỏng sau thời gian dài nằm chờ ở cửa khẩu. |
"Cá ra đến cửa khẩu bị ngâm tận 15-20 ngày thì gần như đã hư hỏng hết nên lại phải thuê xe chở về bán lại cho các đơn vị sản xuất thức ăn cho lợn. Trong tháng vừa rồi, chỉ riêng tiền mua cá của công ty tôi đã hơn 4,3 tỷ đồng, còn hàng của các anh, chị khác gửi kèm cũng hơn 4 tỷ đồng nữa, cá không xuất khẩu được nên hư hỏng, mất trắng cả", bà Liên cho biết.
Cũng theo bà, hàng trăm tấn cá của doanh nghiệp này được thu mua với giá 120.000 đồng/kg. Thế nhưng sau khoảng 15 ngày nằm chờ tại cửa khẩu thì bị hư hỏng, vận chuyển về chỉ bán lại với giá từ 10.000-12.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp thu mua phải bán số cá hư hỏng này cho các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc để vớt vát chi phí vận chuyển. |
Công ty Đức Hiếu, tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Từ tháng 3 đến nay, đơn vị này có khoảng 20 - 25 tấn cá bị hư hỏng do ra đến cửa khẩu Móng Cái không thể thông quan nên phải thuê xe chở về lại Quảng Bình.
Bà Mai Thị Vinh, giám đốc doanh nghiệp, buồn bã cho biết, việc phải chở cá ngược trở về và bán lại với giá rẻ khiến công ty này thua lỗ hơn 2 tỷ đồng.
"Hàng chục tấn cá hư hỏng đành phải bán để làm thức ăn cho gia súc với giá bèo nên thua lỗ rất nặng. Hai tháng nay tôi phải đi vay ngân hàng để trả tiền trước đó mua cá cho ngư dân, tình hình cứ thế này thì phá sản", bà Vinh thở dài.
Xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch hiện có hàng trăm chiếc tàu xa bờ, chuyên đánh bắt hải sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Tuy nhiên việc cá không thể xuất khẩu cũng khiến ngư dân thêm phần khó khăn. |
Theo ông Đồng Vinh Quang - Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch - xã biển này hiện có 9 doanh nghiệp và cơ sở thu mua hải sản để xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên chỉ có một kho đông lạnh chứa được khoảng 50 tấn.
Do vậy, số hàng đã được thu mua không thể xuất khẩu cũng không có kho đông lạnh để bảo quản. Phía địa phương cũng như các doanh nghiệp đều mong muốn các cấp, bộ ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để hàng hóa có thể xuất khẩu.
Cũng theo ông Quang, xã Cảnh Dương hiện có 80% người dân sinh sống bằng nghề biển. Địa phương này có 648 chiếc tàu thuyền với hơn 4.000 lao động, trong đó hơn 400 chiếc xa bờ, đánh bắt cá thu, cá hô có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc các doanh nghiệp không thể xuất khẩu cá cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các ngư dân.
"Không xuất khẩu được nên doanh nghiệp họ không dám thu mua, bởi vậy giá cá xuống thấp, cuộc sống của ngư dân càng khó khăn hơn. Sau khi nắm bắt tình hình, chúng tôi cũng sẽ có văn bản báo cáo cấp trên để có giải pháp tháo gỡ hoặc hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp xây dựng kho đông lạnh chứa cá nếu chưa thể xuất khẩu được", ông Quang nói.
(Theo Dân Trí)
Giá chuối rớt thảm khi Trung Quốc thừa cung
Hiện không phải là mùa thu hoạch chuối rộ nhưng giá chuối vẫn rớt thảm khi chủ yếu vẫn là bán tươi và phụ thuộc xuất khẩu.