Hãng gọi xe be mới đây tích hợp ví MoMo vào một trong các phương thức thanh toán của họ. Cả hai công ty đều nhấn mạnh yếu tố doanh nghiệp Việt bắt tay nhau hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của người Việt.
Sau khi tích hợp, người dùng sử dụng các dịch vụ của be có thể thanh toán thông qua ví MoMo, không phải nhập các thông tin thẻ và tránh phiền phức khi phải dùng tiền mặt.
MoMo được tích hợp vào phương thức thanh toán của be. Ảnh: Hải Đăng |
Trước MoMo, be cho khách hành thanh toán bằng tiền mặt, thẻ quốc tế và một ví điển tử khác. Trong khi đó, MoMo từng là một trong các phương thức thanh toán của Uber (nay đã không còn kinh doanh tại Việt Nam) và Vinasun.
Các ứng dụng gọi xe đang dần trở nên không thể thiếu trên smartphone của nhiều người. Các ứng dụng này được xếp vào nhóm được khách hàng sử dụng hàng ngày. Chính vì thế, tổng lượng tiền mà người tiêu dùng bỏ vào các ứng dụng này không hề nhỏ.
Các nền tảng lớn như Uber hay Grab đều đã tách riêng mảng thanh toán ra khỏi mảng gọi xe để khai thác tiềm năng mảng này tốt hơn. Chẳng hạn, Uber có Uber Money, Grab có Grab Financial.
Dân số Đông Nam Á có khoảng 640 triệu người, trong đó có khoảng 70% người chưa có tài khoản ngân hàng, nhiều người lần đầu sử dụng Internet. Do đó, một nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết lĩnh vực công nghệ tài chính và gọi xe sẽ tạo động lực phát triển cho toàn bộ mảng thanh toán không dùng tiền mặt trong nhiều năm tới.
Tiềm năng của fintech tại Việt Nam thể hiện qua những con số đầu tư vào mảng này. Trong năm 2019, số vốn rót vào fintech Việt Nam đứng thứ hai toàn khu vực, chỉ sau Singapore. Được bơm khoảng 100 triệu USD năm 2019, MoMo là một trong các công ty khởi nghiệp được đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam đến thời điểm này.
Thị trường thanh toán di động Việt Nam dự kiến đạt 70,9 tỷ USD vào năm 2025, theo nghiên cứu của Allied Market Research. Riêng mảng fintech có thể đạt 9 tỷ USD vào năm 2020, theo một chuyên gia ở Viện Chiến lược Ngân hàng Việt Nam.
Đó là chưa kể quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh việc không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Với những quyết tâm ở các các lĩnh vực công lẫn khối doanh nghiệp, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, giá trị thanh toán qua mobile banking năm 2019 tăng 210%, còn Internet banking và ví điện tử cũng tăng 37-86% so với cùng kỳ. Ngày càng nhiều người sẵn sàng thanh toán online hơn trước.
Với các yếu tố tiềm năng dễ thấy như vậy, rất nhiều công ty và dòng vốn đầu tư đã chảy vào fintech Việt Nam, thúc đẩy ngành này phát triển mạnh mẽ. Việc bắt tay giữa một ứng dụng gọi xe và một công ty fintech càng cho thấy xu hướng rõ ràng này.
Phía be cho rằng có nhiều đối tác hơn trong hệ sinh thái của họ sẽ khiến khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, gia tăng tính trung thành và thu hút được khách hàng mới. Ngược lại, MoMo cũng sẽ tiếp cận được lượng khách hàng từ be và chia sẻ nhóm 20 triệu khách hàng hiện tại cho ứng dụng gọi xe.
Sau dịch Covid-19, dưới sự khuyến khích của Chính phủ và thói quen của người dân, lượng người sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên đáng kể. Thống kê từ các trang thương mại điện tử, các ứng dụng gọi xe, các ví điện tử đều cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên nhiều lần trong và sau giai đoạn Covid-19 tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, dưới tác động của bối cảnh xã hội và những quyết tâm của Chính phủ, chắc chắn phương thức thanh toán kỹ thuật số sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Hải Đăng
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh
Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh, đặc biệt thời gian trong và sau dịch bệnh.