Việc hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua vừa qua có thể xem là sự kiện kinh tế nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2015. Theo đánh giá của Bloomberg, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP với dự báo GDP sẽ tăng thêm 11% trong 10 năm tới. Kim ngạch xuất khẩu có thể tăng thêm 28%. Tuy nhiên không phải một miếng bánh lớn lúc nào cũng chia đủ công bằng cho những người tham dự tiệc!

Các doanh nghiệp lớn nghĩ gì về TPP

Khi tham gia hiệp định TPP, xét trên bình diện chung, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng khá nhiều ưu thế, từ mở rộng thị trường xuất khẩu qua nhiều quốc gia thành viên, góp phần gia tăng GDP và thu nhập cá nhân, đến lượng FDI cũng sẽ tăng theo vì các hàng rào thuế quan, phi thuế quan, sẽ được giảm thiểu tối đa. Ngoài ra khi tham gia sân chơi TPP trên nền tảng chuẩn mới về cạnh tranh quốc tế, để tồn tại được các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Việt cũng sẽ được cải thiện về chất lượng, công nghệ và thương hiệu. Điều này vừa giúp người dân trong nước được hưởng lợi từ sản phẩm có chất lượng vừa tạo chỗ đứng tốt cho doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Trong một khảo sát được thực hiện tháng 9-10/2015 của Vietnam Report đối với các Doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng V1000 (Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam), gần một nửa số DN được khảo sát (49%) cho rằng sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP, 42% DN cho rằng mình không chịu quá nhiều tác động của những chính sách cải cách thuế sau khi TPP được thông qua.

{keywords}

Nhận định của DN về tác động của những điều chỉnh về thuế (đặc biệt là thuế XNK) dựa trên HĐ TPP đển DN. Nguồn: Khảo sát các DN V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 9/2015


Có phải tất cả đều hưởng lợi?

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, không phải tất cả các doanh nghiệp, các ngành nghề sẽ hưởng lợi từ TPP. Truyền thông và các chuyên gia cũng đã cảnh báo nhiều về ngành nông nghiệp, về các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là những đối tượng đầu tiên chịu bất lợi trong TPP. Ngay cả trong điều tra các doanh nghiệp lớn của Vietnam Report, cũng có 9% các doanh nghiệp cho rằng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực mà các cải cách về thuế đưa đến cho các doanh nghiệp này. Thử nhìn qua một số thách thức mà TPP có thể tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam

Thứ nhất, hiện nay kim ngạch xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn đến từ các doanh nghiệp FDI (theo số liệu của tổng cục thống kê, năm 2014 khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ các DN FDI). Với TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi đầu tiên do việc cắt giảm thuế từ các thị trường xuất khẩu và các thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu. Các DN FDI sẽ được hưởng lợi trước tên, nhưng trong khối các FDI này, tỷ lệ đóng góp cho nền kinh tế qua chỉ tiêu nộp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự tương xứng với số lượng. Trong BXH V1000 năm 2015 mới được Vietnam Report công bố ngày 14/10/2015 cho thấy khối FDI có tỷ lệ DN xuất hiện trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2015 nhiều nhất, với 460 Doanh nghiệp, tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào tổng số thuế thu nhập Doanh nghiệp của toàn bảng chỉ dừng lại ở mức khoảng 37%. Bài học nhãn tiền từ Trung Quốc cho thấy rất rõ, mọi thứ có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, khi những điều kiện tạo ra thu nhập của các nhà đầu tư nước ngoài kém đi như giá nhân công tăng, thuế tăng, giá đất tăng, ưu đãi ít hơn... họ sẽ đi tìm các “thánh địa” khác. Với một nền kinh tế kim ngạch xuất khẩu còn dựa nhiều vào các DN FDI, lợi thế của TPP cho xuất khẩu nhiều, thì các DN FDI được lợi nhiều trong khi đóng góp vào NSNN không tương xứng, khi họ ra đi, những lợi thế này cũng phai nhạt.

Thứ hai, khi vào TPP, rõ ràng rằng doanh nghiệp chúng ta chưa đủ “tầm” chơi ngay và luôn ở thị trường Mỹ - Nhật, và hiển nhiên chúng ta chưa thể “make profit” được ở các thị trường này nhiều trong khi thị trường nội địa phải mở cửa rộng hơn để hàng ngoại tự do xâm nhập theo tinh thần hiệp định. Như vậy bài toán ở đây là trên thị trường nội địa, trong khi phân khúc giá rẻ đang bị cạnh tranh bởi Trung Quốc và Thái Lan, thì phân khúc cao cấp lại bì “đì” bởi chất lượng của hàng Mỹ Nhật thì rõ ràng lợi thế cạnh tranh sẽ ngày càng thu hẹp đối với các doanh nghiệp quốc nội.

Thứ ba, với một nước mà nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi thực tiễn của nông nghiệp nước ta nhiều năm qua cho thấy nhiều vấn đề bất cập từ bộ máy hành chính, đến các loại phí, thuế chưa hợp lý, cộng thêm lối canh tác cổ truyền, manh mún, năng suất thấp, chắc chắn sẽ chịu áp lực rất nặng nề từ TPP. Đặc biệt là ngành chăn nuôi, khi cắt giảm thuế quan sẽ có tác động tiêu cực đến tổng sản lượng của ngành chủ yếu do sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các sản phẩm nhập khẩu có giá thành rẻ hơn tương đối.

Thực tế TPP cũng không phải là hiệp định thương mại tự do duy nhất của Việt Nam, trong 2 năm qua, Việt Nam đã ký kết một loạt FTA với các nước Asean, Asean +, Hàn Quốc, Nga, Chile…..và đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả tích cực mang lại từ các FTA này và càng rõ ràng một thực tế rằng ngoài những doanh nghiệp FDI, các công ty trong nước vẫn chưa đủ sức cạnh tranh về sản phẩm và dịch vụ để xâm nhập theo chiều ngược lại trên tình thần của các Hiệp định FTA. Kỹ năng của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp có thể sẽ tăng, nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội vẫn rất yếu, như một học sinh tiểu học được khuyến khích để theo kịp các bạn đã vào đại học, rõ ràng cậu học sinh đó có khoảng cách rất rõ về kiến thức, tư duy và cần thời gian để lấp đầy khoảng cách này. Gia nhập TPP, thị phần sẽ lớn hơn rất nhiều, nhưng nếu không chuẩn bị hành trang đầy đủ, vẫn chỉ là bình cũ rượu mới!

Ngày 27/11/2015, Vietnam Report phối hợp với Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế và Báo VietBamNet – Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000-Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội. Lễ công bố nhằm tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp lớn Việt Nam vào sự phát triển chung của nước nhà, cùng với đất nước tiếp tục dấn bước trên con đường hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Cũng trong khuôn khổ Lễ công bố sẽ vinh danh Top 50 doanh nghiệp thành tựu xuất sắc giai đoạn 2011-2015 và giới thiệu Báo cáo thường niên Môi trường Thuế dựa trên kết quả điều tra doanh nghiệp của Vietnam Report.


Trung Đức
Vietnam Report