VietNamNet triển khai tuyến bài ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia nhằm đưa ra nhận diện rõ hơn những nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải, để từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
VietNamNet triển khai tuyến bài ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia nhằm đưa ra nhận diện rõ hơn những nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải, để từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Ít việc, vợ kéo chồng về quê
Tiền bỉm, sữa gửi về quê nuôi con tốn 2 triệu đồng, tiền nhà trọ mất 1,5 triệu đồng - đây là hai khoản tiền cố định mà chị Thu (quận Bình Tân, TP.HCM) phải chi trả hàng tháng. Trước Tết, mỗi tháng, nữ công nhân quê ở Sóc Trăng có mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng. Sau Tết, do ít đơn hàng may túi xách nên chị không làm tăng ca, số tiền giờ chưa tới 5 triệu đồng.
“Công ty trả lương vào mùng 10 hàng tháng, cứ tầm cuối tháng là tôi phải vay tiền đồng nghiệp. Chi tiêu dè xẻn, tôi mua đồ ăn ít đi, ăn mỳ tôm nhiều hơn. Lĩnh lương rồi lại trả nợ", chị kể.
Trong khi đó, chồng chị Thu là công nhân ngành gỗ đã mất việc từ sau Tết Nguyên đán, cũng do khan đơn hàng. Mức lương 7-8 triệu đồng/tháng của anh bỗng về 0. Anh bỏ thành phố, về quê chăn bò phụ gia đình.
Vợ chồng chị Thu là ví dụ điển hình cho một gia đình công nhân tại TP.HCM, làm trong lĩnh vực dệt may và gỗ đều rơi vào cảnh thiếu đơn hàng.
Đề cập về thực trạng trên, ông Trần Thanh Sơn, đại diện một công ty may mặc chuyên xuất khẩu sang Mỹ, cho biết, trước đây, việc ký kết hợp đồng thường "dư" trước nửa năm, nghĩa là ngay đầu năm thì đã có việc làm cho đến tháng 6. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng tới hết tháng 5. Cảnh đặt hàng chờ gối đã không còn, sức tiêu thụ giảm.
Đáng chú ý, theo ông Sơn, bắt đầu có tình trạng vợ/chồng ở một số đơn vị, do hết việc nên nghỉ về quê, kéo luôn cả chồng/vợ đang đi làm ở công ty khác bỏ việc, về quê theo. Hiện, tỷ lệ nhân công chủ động xin nghỉ việc mỗi tháng của doanh nghiệp là 3-4% (trên tổng số 300 lao động).
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), ông Nguyễn Đức Lộc, cho hay, qua khảo sát 400 người tại các địa phương tập trung đông lao động của TP.HCM là quận Bình Tân, quận 7, quận 12, TP. Thủ Đức, có 59,5% lao động đang gặp khó khăn về tài chính.
Số liệu từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho thấy, trong quý I/2023, có 32.355 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong đó, 28.618 trường hợp có quyết định được hưởng. Kết quả khảo sát tại 3.917 doanh nghiệp cho thấy, có 31% doanh nghiệp giảm lao động, tương ứng với 19.524 người.
Báo cáo số liệu thiếu thực tế, "lệch hướng"
Thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp đang gặp khó. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) chỉ ra, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm khoảng trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động.
Đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ của ngành cơ khí điện giảm từ 30-40%. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại.
Trong khi đó, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm xuất khẩu khoảng 15%; trong đó, các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ chiếm tỷ trọng giảm đến 45%. Thị trường nội địa cũng rất không khả quan khi sản phẩm nội thất của các dự án đóng băng hoàn toàn, hoạt động bán lẻ sụt giảm lớn.
“Khoảng 40% doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều đơn vị phá sản nếu không có gì thay đổi”, dự báo từ Huba.
Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, thành phố có 9.788 doanh nghiệp thành lập mới và 4.467 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tuy nhiên có đến 12.621 doanh nghiệp ngưng hoạt động và 877 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể. Nghĩa là, cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 9 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023 vốn đăng ký đạt 9,1 tỷ đồng/doanh nghiệp (năm 2021: 20,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; năm 2022: 15,5 tỷ đồng/doanh nghiệp).
Đề cập về môi trường kinh doanh tại TP.HCM, Huba kiến nghị các cơ quan của thành phố cần thận trọng trong sử dụng số liệu về tỷ lệ đúng hạn hồ sơ, tỷ lệ hài lòng để tránh tâm lý thỏa mãn.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, tỷ lệ này không phản ánh đúng thực tế. "Ví dụ, các đơn vị của TP.HCM khi báo cáo thường sử dụng các số liệu về số cuộc họp diễn ra, số văn bản đã phát hành, tỷ lệ đúng hạn,... mà chưa chú ý đánh giá tác dụng thật sự những công việc triển khai đã đạt hay chưa; thái độ trách nhiệm của cán bộ công chức đã chuyển biến để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào", Huba dẫn chứng.
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, cán bộ, công chức TP.HCM đang có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm.
Ông Dũng dẫn chứng, trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ KH-ĐT phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói, nội dung văn bản hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền của thành phố, điều này thể hiện sự đùn đẩy trách nhiệm, không phối hợp lẫn nhau.
Giáo sư Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, đánh giá, "đầu tàu" TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,7% trong quý I/2023, đây là con số rất thấp, tăng trưởng chung của cả nước cũng chỉ hơn 3,3%. Đáng chú ý, một số địa phương còn có mức tăng trưởng âm trong 3 tháng đầu năm.
Theo ông Lược, nguyên nhân của con số tăng trưởng thấp trên đến từ thị trường bên ngoài không thuận lợi, hàng xuất khẩu của Việt Nam đi các nước bị suy giảm, nhiều công ty hoạt động cầm chừng hoặc phải ngừng hoạt động. Trong nước, mặt bằng lãi suất ở mức cao (khoảng 9%), tác động tới khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, lợi nhuận làm ra không đủ trả tiền lãi vay. Cải cách hành chính thời gian qua được thực hiện nhưng tinh thần dám nghĩ, dám làm lại đang gặp vấn đề.
"Nhiều lãnh đạo cơ quan, các cấp làm việc cầm chừng, chưa tích cực, trong khi cơ chế 'xin cho' vẫn tồn tại, thiếu 'bôi trơn' thì sẽ trì trệ", vị giáo sư nói.
Trước báo cáo của Huba về tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản khẩn gửi 12 sở, ngành của thành phố. Lãnh đạo thành phố giao Sở KH-ĐT là đầu mối chủ trì xử lý theo thẩm quyền, tham mưu cho UBND TP xem xét, giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền, báo cáo trước ngày 25/4. |