LTS: Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung là người có nhiều đóng góp trực tiếp cho sự phục hồi và phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vốn trải qua đầy thăng trầm trong nhiều thập kỷ trước đây.
Sau khi gắn bó với Luật Doanh nghiệp năm 1999, ông luôn bị thôi thúc cống hiến cho việc cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể chế kể cả khi còn làm việc hay đã nghỉ hưu. Mỗi khi thấy doanh nhân gặp khó khăn, doanh nghiệp ách tắc trong sản xuất bởi những rào cản hành chính, những giấy phép con, những quy định bất hợp lý không thể thực hiện được, ông luôn bày tỏ sự trăn trở và hơn hết, tìm cách này, cách kia giúp tháo gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Cung có cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam về môi trường kinh doanh hiện nay.
Doanh nghiệp tự bơi và bơi rất giỏi
-Thưa ông, ông vừa có chuyến đi đến nhiều tỉnh, gặp gỡ nhiều doanh nhân. Ông có thể kể lại những câu chuyện ấn tượng nhất mà ông được nghe?
TS Nguyễn Đình Cung: Trong chuyến đi vừa rồi, tôi may mắn gặp được một số doanh nghiệp đã thu hái được nhiều thành công, đặc biệt trong ngành nông nghiệp. Đây là điểm sáng rất cần phải kích thích, khơi gợi lên. Họ sản xuất, chế biến cà phê, lúa gạo, nông sản, thuỷ sản là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế.
Các doanh nghiệp này tăng trưởng vượt bậc nhờ có mấy điểm tương đồng. Thứ nhất, họ có thị trường xuất khẩu ra bên ngoài; thời điểm xuất khẩu được hàng ra nước ngoài chính là lúc tạo bước ngoặt trong phát triển của họ. Thứ hai, họ đều đầu tư mạnh cho nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm nguyên liệu sản phẩm.
Có doanh nghiệp xuất khẩu bao bì đã mua máy kiểm định sản phẩm vì đối tác nước ngoài yêu cầu kiện hàng rơi từ độ cao 20 mét xuống đất nhưng sản phẩm bên trong không bị hỏng. Việc này không thể làm bằng mắt thường hay tay không mà phải được kiểm nghiệm bằng máy móc, chứng minh được chất lượng như vậy thì khách hàng mới đến mua. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đầu tư không ít tiền vào nghiên cứu.
Đặc biệt, một doanh nghiệp thuỷ sản đã đầu tư tổng cộng 1.200 tỷ đồng cho nghiên cứu, phát triển trong nhiều năm nay rồi. Họ là doanh nghiệp thủy sản lớn, đầu tư triền miên từ năm này sang năm khác. Hòa Phát cũng đầu tư nông nghiệp, dù hiệu quả chưa như kỳ vọng.
Tôi rất ấn tượng với Công ty Lộc Trời khi họ cũng đầu tư khá mạnh cho nghiên cứu khoa học. Họ khẳng định, thổ nhưỡng ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ thích hợp cho trồng lúa chứ không thích hợp cho cây trồng khác và trồng lúa quanh năm vẫn có lãi. Họ đặt vấn đề, nếu tái cơ cấu Đồng bằng sông Cửu Long thì lấy cây gì, con gì thay cây lúa, và liệu có bền vững không? Đây là điều rất đáng suy nghĩ vì họ có nghiên cứu, có số liệu chứng minh.
-Xu hướng này của các doanh nghiệp phải nói là rất tích cực trong bối cảnh đất nước đang chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đây có phải là gợi ý quan trọng cho các doanh nghiệp khác?
Tất cả doanh nghiệp đều nói họ phát triển vượt lên được nhờ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. Đây là một xu thế. Doanh nghiệp không muốn nhận hỗ trợ nào của nhà nước theo lối xin cho, cấp phát. Họ nói rằng, họ từ chối vì rủi ro cao lắm. Bây giờ nhận hỗ trợ, rồi sau này lại bị thanh tra, kiểm tra. Xu hướng không muốn nhận hỗ trợ, hay dính dáng đến vốn và tài sản nhà nước là rất phổ biến.
Tôi có hỏi họ, có hợp tác được gì với các Viện nghiên cứu hay các trường Đại học không. Đáng tiếc là tất cả doanh nghiệp đều nói không. Ngay cả TP.HCM là nơi tập trung nhiều lực lượng, cơ sở nghiên cứu cũng không có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các Viện nghiên cứu. Các doanh nghiệp nói với tôi, các Viện nghiên cứu hàn lâm quá, sách vở quá, không chuyển từ nghiên cứu học thuật ra thành sản phẩm, dịch vụ thương mại được, không ứng dụng trong thực tế được. Các nghiên cứu không phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Tại sao doanh nghiệp đầu tư hàng triệu, hàng chục triệu đô la vào phòng thí nghiệm, mà lại không thể bắt tay với các Viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng đang có các phòng thí nghiệm? Đây là điều tôi rất băn khoăn, nhất là khi nhà nước đang có nhiều phòng thí nghiệm, nhiều cơ sở nghiên cứu công.
Đất đai và câu chuyện dài
-Trong các cuộc thảo luận với nhiều doanh nghiệp, ông thấy đâu là vấn đề họ đang quan tâm nhất?
Rào cản lớn nhất của họ là không tiếp cận được đất đai. Cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lẫn hộ gia đình đều gặp vấn đề này.
Có doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực cao su ở Đà Nẵng đang phát triển tốt, muốn mở rộng kinh doanh nhưng không thể được vì khu công nghiệp hết sạch đất, ra bên ngoài tìm đất cũng không có. Họ lên UBND thành phố nhưng không được giải quyết nên mất cơ hội phát triển.
Một doanh nghiệp tư nhân ở Đà Nẵng làm bao bì xuất khẩu mấy chục năm nay tại nhà, họ mở rộng sản xuất bằng cách mua lại nhà của hàng xóm. Rất may là hàng xóm của họ đi định cư ở nước ngoài với con cái nên mới bán cho doanh nghiệp này, nếu không họ cũng không thể có đất để mở rộng sản xuất.
Có một một điểm doanh nghiệp “cười ra nước mắt” trong việc thuê đất bởi những quy định bất cập, không thể thực hiện được. Cụ thể, Nghị định 35 năm 2023 trong lĩnh vực xây dựng mới thêm quy định là khi doanh nghiệp mở rộng đất đai, giải phóng mặt bằng phải có ý kiến của người dân xung quanh, mà trước đây không có quy định này. Đây là thủ tục bất hợp lý.
Doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng trong khu công nghiệp làm gì có dân xung quanh mà hỏi. Nhưng bây giờ phải hỏi dân xung quanh vì quy định pháp luật bây giờ đòi hỏi như vậy. Họ không có được ý kiến của dân, không hoàn thành thủ tục nên các cấp huyện, cấp sở không giải quyết. Hỏi tỉnh cũng không trả lời, hỏi Bộ Xây dựng cũng không trả lời. Vậy là việc đầu tư mở rộng bế tắc, cứ treo đó.
Với Luật Đất đai mới, có lẽ doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận đất ở ngoài khu công nghiệp để đầu tư, sản xuất, trong khi vào thuê đất trong khu công nghiệp thì khó với doanh nghiệp tư nhân vì chi phí cao.
-Đầu tư tư nhân đang ở mức thấp trong hơn thập kỷ nay. Vì sao vậy, thưa ông?
Đầu tư tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn chưa phục hồi. Đầu tư của khu vực này chỉ tăng 2,7% năm 2023 và 6,8% trong nửa đầu năm nay. Những năm trước khu vực này tăng trưởng từ 15-17%/năm. Đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân rất quan trọng, chiếm 55% - 60% tổng đầu tư xã hội, là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tư tư nhân quá thấp so với trước dịch. Xu hướng đầu tư từ đầu năm 2023 đến nay không có nhiều cải thiện, nếu loại trừ yếu tố giá thì đầu tư tư nhân thấp, nhiều quý tăng trưởng âm.
Trong khi đó, trong nửa đầu năm 2024 số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động gần 120.000, tương đương với hơn 110.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với số rút khỏi thị trường là 1/1, mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Trước đây thông thường 4 doanh nghiệp gia nhập thì 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, thống kê cho thấy, ngành ăn uống tăng trưởng, nhưng số doanh nghiệp trong ngành thành lập mới hay quay trở lại hoạt động lại giảm. Đây là hiện tượng rất đáng lưu tâm và cần được giải thích.
Tăng trưởng tín dụng thấp cũng thể hiện khu vực kinh tế tư nhân đang rơi vào giai đoạn khó khăn.
Trong các cuộc làm việc ở nhiều địa phương, tôi vào thăm nhiều khu công nghiệp không thấy có đầu tư, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng không thể.
Ách tắc về hành chính là rất phổ biến; thủ tục hiện nay thường kéo dài gấp 3 lần so với thời gian trước đây. Một dự án đầu tư trong khu công nghiệp trước đây mất khoảng 23-24 tuần để hoàn tất thủ tục thì bây giờ họ nói phải nhân gấp 3-4 lần như thế thì mới xong.
Có nhiều nguyên nhân phía sau làm đầu tư ngoài nhà nước tăng chậm, nhưng tôi nhận ra, nguyên nhân chính là không có ai phê duyệt, hoặc phê duyệt rất chậm cho họ làm.
Những rào cản chưa dễ vượt qua
-Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm đến chính sách cấm xuất cảnh doanh nhân nợ thuế. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Nếu áp dụng thiếu thận trọng, cứng nhắc, chế tài tạm hoãn xuất cảnh càng làm khó cho doanh nghiệp hơn, chặn đứng con đường phục hồi của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang làm ăn với các đối tác nước ngoài.
Liệu có cách ứng xử nào để vừa thúc doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ thuế, nhưng không làm tổn hại đến uy tín, hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân doanh nhân không? Có thể áp dụng cơ chế ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, trong đó có ủy quyền về hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế, khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp xuất cảnh không? Các cơ quan quản lý có hình dung được tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đến uy tín của doanh nghiệp trên thương trường không? Trong khi đó, ngành thuế cũng đang nợ hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn và xuất khẩu gỗ.
-Thực tiễn cuộc sống đặt ra nhiều yêu cầu thúc bách mà luật không theo kịp được. Điều này cần xử lý ra sao để doanh nghiệp có thể yên tâm phát triển?
Doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu cao thật khó hình dung được. Và sức vươn lên của họ cũng vậy. Tập đoàn Hòa Phát nói có thể sản xuất thép để làm đường ray cao tốc, FPT có thể đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn…, cũng có nghĩa là, họ đang chờ đợi những không gian an toàn, thuận lợi cho các thử nghiệm đổi mới, sáng tạo. Việc đề xuất một sandbox thử nghiệm ngoài thể chế được nói lâu nay cần sớm được đưa ra, dù không dễ dàng trong bối cảnh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.