Với làn sóng digital marketing đang phát triển mạnh mẽ, Internet và các trang mạng xã hội đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Nhờ những chiến dịch truyền thông đầy cảm hứng và sáng tạo, nhiều doanh nghiệp đã từ bóng tối bước ra ánh sáng và chinh phục người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng từ đây, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã xuất hiện với những sự cố bắt nguồn từ chính các trang mạng xã hội.
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, anh Minh - đại diện công ty nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết, bản thân công ty anh từng là nạn nhân của các trang mạng xã hội.
Đầu tháng 6/2015, trên mạng xã hội đột nhiên xuất hiện thông tin 15 học sinh ở Tuyên Quang tử vong vì uống Sting - loại nước ngọt do PepsiCo Việt Nam sản xuất. Thông tin này bắt nguồn từ một trang tin "ma" vốn không được cấp giấy phép hoạt động của Bộ TT&TT. Đến ngày 12/6/2015, thông tin này đã có hơn 5.000 lượt chia sẻ trên mạng khiến nhiều người sử dụng hoang mang, lo lắng.
Đại diện Suntory PepsiCo Việt Nam minh chứng những ảnh hưởng trực tiếp khi các thông tin bịa đặt về doanh nghiệp này bị phát tán một cách tràn lan không qua kiểm chứng trên Facebook. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tuyên Quang, sau khi nhận được tin báo trên mạng xã hội, Chi cục đã kiểm tra các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả cho thấy các bệnh viện không tiếp nhận hay cấp cứu bất kỳ trường hợp nào bị ngộ độc vì nước ngọt Sting, do đó thông tin việc 15 học sinh tại tỉnh này tử vong vì uống Sting là không có thật.
Quá trình xác định lại thông tin cho thấy, các hình ảnh minh họa trong bài viết được lấy từ một vụ ngộ độc trên trang báo điện tử của Pakistan.
Hình ảnh minh họa cho vụ việc ngộ độc Sting được lấy từ một vụ ngộ độc rượu ở Pakistan. Trong khi đó, máy chủ của trang tin "ma" đăng tải bài viết đặt tại San Francisco (Mỹ). |
Theo anh Minh, chỉ 6 ngày sau khi được đăng tải, các thông tin thất thiệt đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của thương hiệu Sting và Suntory PepsiCo Việt Nam.
Thực tế đã cho thấy, những trường hợp như của Suntory PepsiCo Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết khủng hoảng trên các trang mạng xã hội.
Đại diện công ty này cho rằng, ngoài những khó khăn từ việc ẩn danh của người sử dụng mạng xã hội, Suntory PepsiCo Việt Nam còn gặp phải vấn đề khi không thể liên hiện với phía Facebook.
Theo anh Minh, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là những mạng xã hội như Facebook không có văn phòng tại Việt Nam, cũng như không hề có bộ phận xử lý các khiếu nại tại Việt Nam.
Facebook cũng không có bất kỳ quy định nào về thời gian giải quyết khiếu nại. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp bị tấn công bởi những tin đồn thất thiệt, dù đã trực tiếp liên hệ với Facebook để tiến hành gỡ bỏ, có những trường hợp kéo dài rất lâu, 3 tháng hoặc thậm chí hơn 3 tháng. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, khi thông tin thất thiệt này tồn tại tới 3 tháng, nó đã trở nên bão hoà và không cần gỡ vì không còn giá trị.
Với hơn 60 triệu người dùng, Việt Nam hện được xếp thứ 6 trên thế giới về số lượng người sử dụng. Thế nhưng, Facebook lại không hề đặt văn phòng đại diện hay bất kỳ bộ phận xử lý khiếu nại nào để giải quyết các vấn đề phát sinh tại thị trường Việt Nam. Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi phải đối mặt với những chiêu trò truyền thông bẩn. |
Do không có văn phòng đại diện, các hoạt động của Facebook tại Việt Nam được thực hiện qua các công ty đại lý. Tuy nhiên, Facebook chưa bao giờ công khai danh sách các công ty đại lý của mình. Điều này đã cản trở việc tiếp cận của các doanh nghiệp với đơn vị quản lý mạng xã hội này khi có vấn đề cần giải quyết về các thông tin thất thiệt.
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp từng là nạn nhân của các tin đồn thất thiệt trên mạng cho rằng, các mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm khi những thông tin giả được phát tán trên hệ thống do họ cung cấp.
Các doanh nghiệp cũng muốn các mạng xã hội như Facebook tạo ra một cơ chế giúp họ phong tỏa và gỡ bỏ các bài đăng. Tất nhiên, điều này chỉ được thực hiện khi có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý chứng minh những thông tin đó là sai sự thật.
Để làm được tất cả những điều trên, các mạng xã hội như Facebook nên có văn phòng đại diện hoặc bộ phận giải quyết khiếu nại tại Việt Nam và công khai đầy đủ các thông tin liên hệ.
Trọng Đạt