Hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) làm gia công CNTT (IT Outsourcing - ITO) song thường chỉ có quy mô vừa và nhỏ dưới 100 người, thậm chí có công ty chỉ đôi ba chục người.

Theo bà Văn Thị Bích Ty, Trưởng Phòng Truyền thông, Hội Tin học TP.HCM, những công ty vừa và nhỏ làm IT Outsourcing tại Việt Nam rất nhiều, đa phần là của những người trẻ, nhưng khi tìm kiếm hợp đồng thường gặp phải vấn đề về nhân lực.

Khác với mảng gia công quy trình doanh nghiệp (BPO), chỉ cần kỹ năng đơn giản thì gia công CNTT đòi hỏi có kỹ năng tốt hơn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp IT Outsourcing Việt Nam vẫn “than” thiếu người trầm trọng, nhân lực đào tạo từ các nhà trường không thích nghi được yêu cầu công việc...

Ông Duy Anh, đại diện của một công ty mobile web chuyên gia công các sản phẩm cho mobile cho các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn: “Các công ty trong nước có thể chia sẻ nhân lực với nhau để tạo thành các nhóm thực hiện dự án cho đối tác nước ngoài, không để lỡ mất dự án và công việc lại “chảy” sang nước khác”.

gia công CNTT

Rất nhiều doanh nghiệp khác chung quan điểm rằng các doanh nghiệp của Việt Nam nếu có phương thức kết nối, hình thành mạng lưới tốt thì lượng dự án lớn đến với Việt Nam sẽ lớn hơn.

Bởi đến nay, dù Việt Nam đã làm gia công xuất khẩu phần mềm gần 20 năm nhưng các đối tác nước ngoài vẫn rất khó khăn để tìm kiếm thông tin về Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta chưa có được thương hiệu Việt Nam IT Outsourcing khiến “vua biết mặt chúa biết tên” nên vẫn còn rất nhiều đối tác nước ngoài chưa biết đến những tiềm năng gia công CNTT của Việt Nam để tìm đến khai thác.

Quay lại với câu chuyện chia sẻ công việc, ông Tạ Sơn Tùng, Giám đốc Công ty Rikkeisoft, chuyên thực hiện các dự án gia công CNTT cho các đối tác Nhật Bản, nhận định: “Khi các doanh nghiệp không hiểu nhau, đặc biệt là không tin tưởng nhau thì rất khó có thể bàn tới chuyện chia sẻ”.

Ông Tùng kể lại câu chuyện có công ty Việt Nam khi quan hệ với đối tác Nhật Bản tốt lên, lượng công việc về nhiều, dẫn đến không đủ người để làm. Và công ty này đã từ chối nhận thêm việc chứ không giới thiệu lại cho công ty khác. Vì tâm lý e ngại rằng nếu công ty mình giới thiệu lại làm tốt hơn hoặc rẻ hơn mình thì có thể gây rủi ro cho chính mình (đối tác có thể quay sang chọn công ty làm tốt hơn hoặc rẻ hơn), còn nếu làm không tốt khiến đối tác không hài lòng thì có thể ảnh hưởng tới uy tín của mình.

Gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu gây dựng lòng tin với nhau để có thể chia sẻ khối lượng lớn công việc IT Outsourcing từ nước ngoài đưa về Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng được nhiều đối tác nước ngoài đánh giá là điểm đến mới nổi hấp dẫn về ITO của Thế giới. Nhưng gây dựng lòng tin không phải công việc đơn giản có thể hoàn tất trong một sớm một chiều.

Một trong những giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp Việt có thể tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác cho mình chính là nên chủ động tham gia các sự kiện về IT Outsourcing trong và ngoài nước. Bởi các đối tác nước ngoài có thể tìm kiếm được thông tin về doanh nghiệp Việt tại các sự kiện đó một cách dễ dàng hơn.

Mặt khác, tham gia các sự kiện IT Outsourcing cũng là một cách để gây dựng lòng tin với đối tác nước ngoài. Rất có thể họ sẽ có ý nghĩ “đây là sân chơi tử tế và những người đến đây chắc cũng là những người tử tế”.

Với những doanh nghiệp nhỏ, ngân quỹ còn khó khăn nên tận dụng cơ hội từ những sự kiện quốc tế được tổ chức ngay trong nước vì sẽ tiết giảm được vô khối chi phí đi lại, marketing...

Hai trong số những sự kiện quốc tế lớn sắp diễn ra tại Việt Nam đang được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp IT Outsourcing chấm điểm cao về cơ hội tìm kiếm đối tác là: Ngày CNTT Nhật Bản tại Việt Nam (Japan ICT Day) do Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức tại TP.HCM ngày 14 - 15/10/2015; và Hội nghị Phát triển Gia công CNTT Việt Nam-Vietnam IT Outsourcing Conference (VNITO 2015) cũng tại TP.HCM trong các ngày 14 - 16/10/2015 do Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp cùng các doanh nghiệp ITO tại Việt Nam tổ chức (dự kiến thu hút đại diện của trên 150 công ty đa quốc gia và 200 doanh nghiệp ITO, BPO tham gia).