Đa dạng về lợi thế
Hải Dương nằm ở khu vực trung tâm của tam giác “vàng” phát triển kinh tế phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Trên địa bàn có nhiều Khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, đồng thời có thể giao thương thuận lợi với các tập đoàn toàn cầu lớn tại các tỉnh lân cận như SamSung, Microsoft,… Đó được xem là những lợi thế không nhỏ của Hải Dương trong thu hút đầu tư sản xuất CNHT.
Đến nay, Hải Dương đã phát triển một số ngành CNHT thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu: Cơ khí chế tạo; điện - điện tử; dệt may - da giày. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của 3 ngành CNHT trong giai đoạn 2015-2019 đạt trên 15,4%/năm. Tính chung, trên địa bàn có khoảng 130 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT. Năm 2019, tỷ trọng giá trị sản xuất CNHT chiếm gần 60% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 18 khu công nghiệp với diện tích khoảng 5.000 ha; đã quy hoạch 45 cụm công nghiệp tại các vị trí thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Toàn tỉnh đang có gần 15.000 doanh nghiệp trong nước hoạt động, với số vốn đăng ký đạt trên 164.000 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 454 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 8,4 tỷ USD, tập trung vào các ngành nghề như sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ô tô, xi măng, sản xuất sắt thép, sản xuất hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác... Đây sẽ là thị trường rộng lớn cho các sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp địa phương.
Hải Dương đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất CNHT giai đoạn 2021 - 2030 đạt 12,9% |
Tăng nguồn lực vào CNHT
Các sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh đã góp phần phục vụ cho sản xuất của các ngành công nghiệp trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; tạo mối liên kết sản xuất giữa các thành phần kinh tế, giữa cơ sở sản xuất trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, liên kết giữa vệ tinh CNHT và các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, hiện ngành CNHT của tỉnh mới chỉ tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế và yếu kém, chủ yếu là gia công và lắp ráp các sản phẩm giản đơn, thô sơ nên các sản phẩm sản xuất ra có chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất, do đó rất khó khăn trong việc tiếp cận và tham gia vào trong hệ thống chuỗi sản xuất sản phẩm CNHT của các tập đoàn lớn.
Sớm nhận ra những thuận lợi, khó khăn của tỉnh, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quy hoạch phát triển CNHT tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Quy hoạch nêu rõ: “Sẽ hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.”
Bên cạnh đó, mở rộng, nâng cao sản lượng, chất lượng của các dự án đã thu hút đầu tư; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh chuyển giao sản xuất linh kiện điện - điện tử từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, cần phát triển khu công nghiệp, cụm CNHT trên địa bàn và lựa chọn một số khu vực có vị trí thuận lợi để xây dựng khu, cụm CNHT tập trung.
Ngoài ra, Hải Dương là một trong số ít địa phương đã đề ra mục tiêu cụ thể trong phát triển CNHT với giá trị sản xuất CNHT đạt 39.202 tỷ đồng năm 2020 và 132.317 tỷ đồng vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất CNHT giai đoạn 2021 - 2030 đạt 12,9%.
Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương Phạm Thanh Hải khẳng định, phát triển CNHT sẽ hấp dẫn đầu tư sản xuất lĩnh vực cung cấp linh, phụ kiện các loại cho công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử gia dụng,… phục vụ nhu cầu chế tạo, sản xuất trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, các doanh nghiệp về CNHT của tỉnh trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Hoàng Hiệp