studio game của VNG.jpg
Các doanh nghiệp làm game trong nước đang khó ngồi lại với nhau

“Ngồi lại với nhau là một điều xa xỉ”

Đại diện một nhà phát hành game trong nước (xin dấu tên) đã thốt lên như vậy, khi trao đổi với ICTnews về việc tại sao các doanh nghiệp làm game trong nước không thể ngồi lại với nhau.

Theo vị đại diện này, ngành game thực tế cũng đang giống một số ngành khác ở Việt Nam, đó là các doanh nghiệp không thể tìm được tiếng nói chung, mỗi người một phách và cạnh tranh với nhau một cách gay gắt. Theo đó, thay vì cùng nhau tập hợp lại để giải quyết các khó khăn, thì các doanh nghiệp nhất quyết đi theo đường riêng của mình với phương châm: thà tất cả cùng chết chứ không thể hợp tác được với nhau.

Chính vì như thế việc này đã tạo ra nhiều hệ lụy cho ngành game, đó là các doanh nghiệp trong nước tìm mọi cách để đè bẹp đối thủ với nhiều chiêu thức như: tranh giành bản quyền game, tung các tin thất thiệt của đối thủ cho người dùng, doanh nghiệp nhỏ làm game lậu của doanh nghiệp lớn, “tố” những vi phạm của nhau cho cơ quan chức năng…Nhiều trò “chơi bẩn” cũng được áp dụng như quảng cáo “dìm hàng” đối thủ, hack game của đối tác, mạo danh doanh nghiệp lớn để đi mua game…cũng được áp dụng và diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây.

Với việc làm này, bên cạnh gây ra nhiễu loạn cho thị trường game trong nước, còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc gây sức ép về bản quyền game lên các doanh nghiệp khi đi mua game. Cụ thể, thay vì hợp tác với nhau khi làm việc với các đối tác, các doanh nghiệp lại tìm cách nâng giá sản phẩm để mua cho bằng được game, khiến trong một thời gian ngắn các đối tác đến từ Trung Quốc đã liên tục nâng giá bản quyền game và những đòi hỏi về quyền lợi cũng như lợi nhuận mà họ muốn được hưởng trong quá trình phát hành game, điều này khiến các doanh nghiệp thiệt hại không nhỏ.

Làm sao nên nỗi?

Thực tế để bảo vệ quyền lợi của mình, một số công ty lớn như VNG, VTC hay FPT Online, đã từng bàn đến việc ngồi lại với nhau nhằm giải quyết các vấn đề về phát triển game ở Việt Nam, một số hiệp hội cũng được thành lập như Hiệp hội phần mềm và Nội dung số (Vinasa), Hiệp hội Thể thao điện tử (Viresa), nhưng nhìn chung các hiệp hội này đều hoạt động không hiệu quả và không có sự gắn kết.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Lê Phương Đông, Giám đốc điều hành của 5 Stars Mobile Game Company Limited, một phần xảy ra tình trạng này là thiếu sự quản lý của nhà nước, bởi doanh nghiệp muốn ngồi với nhau thì phải có người cầm trịch và hệ thống quản lý và chính sách phải rõ ràng, công bằng, khách quan, không có cái đó thì đương nhiên là mạnh ai nấy sống.

Khi nhà nước đã cầm trịch thì các doanh nghiệp tất nhiên sẽ nghe theo và sẽ ngồi lại được với nhau. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, chủ tịch hiệp hội webgame là Tổng cục phó thuộc Bộ văn hóa Trung Quốc, họ chỉ “ho” một tiếng là mấy trăm doanh nghiệp phải nghe theo, nên ngành game của họ mới không bát nháo.

Còn đại diện của SohaGame thì nhìn câu chuyện đoàn kết giữa các doanh nghiệp theo bản chất kinh doanh, khi cho rằng, một trong những lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp game trong nước khó ngồi lại với nhau chính là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Làng game Việt không to như chúng ta tưởng, để tồn tại, các nhà phát hành phải tranh giành nhau từng game thủ.Tuy nhiên, trước sự tấn công của rất nhiều các Nhà phát hành lậu đang hoạt động, SohaGame nghĩ những doanh nghiệp game trong nước cần ngồi lại với nhau vì lợi ích chung và cũng là để bảo vệ game thủ Việt.

Đồng quan điểm, ông Phạm Công Hoàng, Phó tổng giám đốc của FPT Online cũng nhìn nhận, về cơ bản việc cạnh tranh diễn ra giữa các doanh nghiệp do ở khía cạnh kinh doanh trên một mảnh thị phần luôn luôn mang đến sự đề phòng , cảnh giác , đó là bản năng của người làm kinh doanh và là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ông Hoàng tin rằng, khi xuất hiện lợi ích chung của ngành thì các doanh nghiệp game chắc chắn sẽ ngồi lại được với nhau.