thao luan tai hoi thao.jpg
Đại diện các bên tham gia hội thảo

Hội thảo do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) cùng Câu lạc bộ doanh nghiệp Game và Nội dung số (VGB) phối hợp tổ chức tại TPHCM vào ngày 26/11. Xuyên suốt hội thảo là những ý kiến thảo luận về tình hình phát triển game ở Việt Nam và đa số đều có chung quan điểm là có quá nhiều khó khăn.

Làm game ở Việt Nam: Khó khăn đủ bề

Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc công nghệ của GlassEgg cho biết khó khăn nhất trong việc làm game hiện nay của các doanh nghiệp chính là nguồn nhân lực mà trong đó chủ yếu là các vị trí chủ chốt. Ông cho biết về nhân lực đồ họa thì doanh nghiệp có thể tự phát triển, nhưng những người như Giám đốc dự án thì lại tìm rất khó vì yêu cầu công việc của người này là rất cao, đưa ra được các bước đi chính xác cho dự án, cũng như có khả năng sáng tạo để game có các yếu tốc đặc biệt, hấp dẫn.

Các vị trí khác như Trưởng thiết kế, thiết kế hệ thống, Lập trình, kỹ sư trưởng, trí tuệ nhân tạo, kỹ sư mạng…trong lĩnh vực này cũng đòi hỏi rất cao và đa số các doanh nghiệp đều phải thuê chuyên gia nước ngoài với mức lương rất cao dẫn đến việc không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.

Khó khăn nữa được đại diện GlassEgg đưa ra là hiện Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng chưa có nhiều các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp làm game, do vẫn chưa chú trọng đến ngành này. Điều đó dẫn đến họ phải bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư phần mềm bản quyền cũng như hạ tầng kỹ thuật mà không được một chính sách trợ giá nào.

Đồng quan điểm, ông Phùng Việt Hưng, đại diện của công ty chuyên cung cấp game cho Mobile nổi tiếng là GameLoft cũng than thở là tìm kiếm nguồn nhân lực làm game ở Việt Nam khó quá. Trong khi đó chính phủ cũng chưa có chính sách hỗ trợ gì nhiều cho ngành này, trong khi ở các nước khác như Singapore, Canada, khi họ chỉ mới đặt vấn đề làm môt studio game ở các nước đó thì được các quan chức nước này rất ủng hộ và tạo điều kiện hết mình để phát triển.

Nếu như hai đại diện của các công ty game lớn trên mới chỉ nói cái khó trong việc làm các game có quy mô nhỏ, chưa đầu tư vào thể loại game online nhập vai trực tuyến. Ông Đặng Hồng Quang, giám đốc sản phẩm game online đầu tiên do Việt Nam sản xuất là Thuận Thiên Kiếm của VinaGame, cũng phải than rằng: làm game ở Việt Nam khó khăn đủ bề từ chi phí đầu tư rất cao, rồi nguồn nhân lực không đáp ứng được doanh nghiệp phải gửi đi đào tạo ở nước ngoài rất tốn kém.

Nhiều giải pháp được đưa ra

Có rất nhiều ý kiến thảo luận của các doanh nghiệp game về đường lối phát triển cũng như giải pháp cho nền công nghiệp game ở Việt Nam trong những năm tới. Theo ông Phùng Việt Hưng cũng như các ý kiến khác thì chính phủ cần có một chính sách vĩ mô tốt để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Chẳng hạn như can thiệp để các công ty game có thể mua được bản quyền phần mềm giá tốt hơn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành game dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng bên cạnh các chính sách hỗ trợ thì Việt Nam cần học tập mô hình của các nước khác mà cụ thể là Singapore trong việc lôi kéo các công ty lớn vào đầu tư phát triển game trong nước. Hay chính phủ xây dựng các quỹ hỗ trợ tài năng, tôn vinh người làm game và hỗ trợ giá phần mềm…

Đại diện VinaGame ông Quang cũng kiến nghị các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện trong các thủ tục cấp phép để phát triển game online ở trong nước. Bởi ưu thế khi làm game trong nước là nhà phát hành hiểu rõ nhu cầu của thị trường, hiệu chỉnh và cải tiến game nhanh chóng đồng thời được sự ủng hộ của game thủ và cộng đồng.

Bên cạnh đó việc đào tạo nguồn nhân lực cho game cũng là một vấn đề cần phải làm trong thời điểm hiện nay. Bởi thực tế ở Việt Nam vẫn chưa có một trường chính thống nào đào tạo ngành game ngoại trừ một lớp đào tạo lập trình game của trung tâm NIIT nhưng số lượng tốt nghiệp từ khóa học này cũng rất hạn chế.

Theo ông Đặng Ngọc Hồ đại diện cho NIIT thì số lượng học sinh tốt nghiệp xuất sắc cho một khóa 2 năm đào tạo là rất khiêm chỉ có khoảng 15 – 20 người, còn lại phần lớn là thực tập tại các công ty để xem phù hợp để được nhận vào làm việc hay không. Vì thế đa số nhân lực đều do các công ty tự đào tạo lấy bằng nhiều cách khác nhau như gửi ra nước ngoài, hay đào tạo ngay từ đầu vào…

Theo ý kiến các đại biểu tại hội thảo, thì cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo nhân lực cho ngành này, cụ thể doanh nghiệp sẽ đưa giáo án cho trường thực hiện, đưa các đề tài tốt nghiệp cho sinh viên làm… Bên cạnh đó ông Trương Hoài Trang, Phó chủ tịch VINASA cho biết là họ cũng đang xin mở một trường Đại học có đào tạo ngành này để đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp.