Tháng 7/2013, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được ban hành, các doanh nghiệp kinh doanh game trong nước “khấp khởi” mừng thầm vì game online sắp được cấp phép trở lại. Trong đó, đáng chú ý là game online được định nghĩa trong Nghị định là trò chơi G1: “Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp”, cũng sẽ được cấp phép. Bởi đây là thể loại game đang chiếm 90% số lượng game phát hành ở thị trường trong nước hiện nay.
Nhưng một lần nữa các doanh nghiệp kinh doanh game trong nước lại phải chờ, bởi việc các doanh nghiệp đáp ứng theo yêu cầu trong thông tư để được cấp phép là rất khó khăn.Thế nhưng, ngay sau đó họ phải chờ đợi một thời gian rất dài, do phải đến tháng 12/2014, Thông tư 24/2014/TT-BTTTT, về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng, hướng dẫn cho nghị định mới được ban hành. Lúc này mới có hướng dẫn cụ thể việc làm hồ sơ và tiến hành cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử G1.
Sau gần 6 tháng ban hành, giờ đây các doanh nghiệp kinh doanh game trong nước đã chính thức được cung cấp giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1. Và theo nguồn tin của ICTnews nhận được, đã có các doanh nghiệp lớn được cấp giấy phép này như VNG, VTC, VE, VCCorp và một số công ty nhỏ khác.
Cũng theo nguồn tin trên, việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử G1 diễn ra tương đối thuận lợi, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định do Bộ TT&TT đưa ra và tiến hành nộp hồ sơ, sẽ được phê duyệt và cấp phép.
Việc có được tờ giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 đối với doanh nghiệp kinh doanh game là vô cùng quan trọng. Bởi chính từ giấy phép này, doanh nghiệp mới có thể xin giấy phép cho từng trò chơi trực tuyến (game online) do mình phát hành.
Bởi sự chậm trễ của việc ban hành các quy định ở trên, các doanh nghiệp kinh doanh game trong nước hiện nay đều bắt buộc phải phát hành game online không phép. Số lượng các game online không phép đã lên tới hơn 200.
Tuy nhiên, có một điều khiến cho rất nhiều người thắc mắc và đặt ra dấu hỏi, đó là khi có giấy phép cung cấp game G1 rồi, các doanh nghiệp phải đi xin giấy phép cho từng game của mình nhưng hiện tại số lượng game này là vô cùng lớn nên việc cấp phép sẽ tiến hành thế nào?
Và khi xin phép sẽ phải thông qua hội đồng tư vấn thẩm định trò chơi điện tử bao gồm đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan, có trình độ chuyên môn phù hợp. Hội đồng này được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ TT&TT.Theo ước tính, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 60 doanh nghiệp làm phát hành game, số lượng game đang phát hành cũng lên tới hàng trăm. Hơn nữa, chu kỳ một game phát hành hiện nay là rất ngắn, mà theo quy định hiện hành thì sau khi được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, doanh nghiệp muốn phát hành game thuộc thể loại này sẽ tiếp tục nộp hồ sơ (theo mẫu quy định trong thông tư) đề nghị phê duyệt nội dung, kịch bản cho mỗi trò chơi mà mình phát hành ra thị trường.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ TT&TT tiến hành tổ chức thẩm định, cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1 cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối, Bộ cũng có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Trước khi doanh nghiệp chính thức bắt đầu cung cấp trò chơi cho công cộng 10 ngày làm việc, doanh nghiệp tiếp tục phải gửi thông báo cụ thể về thời gian chính thức cung cấp trò chơi đến Bộ TT&TT (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở TT&TT tại địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động; thông báo tới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán trong trò chơi điện tử. Khi nhận thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy biên nhận cho doanh nghiệp trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
Với số lượng game như trên và thời gian cấp phép được tiến hành theo quy định đưa ra, liệu cơ quan chức năng có thể cấp phép kịp thời cho các game của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hay không, vẫn là một dấu hỏi lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều mua bản quyền game của nước ngoài và họ phải tiến hành đưa game ra thị trường theo các kế hoạch định sẵn.
Theo ICTNews