Đây là nhận định của ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại “Diễn đàn kinh tế 2023 cùng doanh nghiệp vượt sóng”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 17/11.
Đối mặt với thử thách
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2022 bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam, vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%.
Tuy nhiên, theo thống kê từ đầu năm đến nay, bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2022 của Tổng cục Thống kê, các đơn hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo giảm; tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính chiếm 30,8%, thiếu nguyên nhiên vật liệu chiếm 26,1%... Các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải bao gồm: biến động giá năng lượng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng; rủi ro từ chuỗi cung ứng; sức ép đến từ tỷ giá gia tăng và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm. Tình trạng này dự báo còn tiếp diễn đến cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, lạm phát tăng nhanh tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đơn hàng đã giảm thấy rõ trong 2 tháng qua. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo, giảm xuống còn 2,7%, thay vì 3,5%, từ đó làm giảm sức cầu hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
“Vượt sóng” thế nào?
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, đầu tư của khu vực tư nhân ngày càng tăng và chiếm tới 60% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng giảm. Cụ thể năm 2010 khu vực tư nhân chỉ bỏ ra 4,3 đồng vốn, để tạo ra 1 đồng tăng trưởng GDP, nhưng đến năm 2021, phải bỏ ra tới 23,4 đồng vốn mới tạo ra 1 đồng tăng tưởng GDP. Do vậy, các doanh nghiệp tư nhân cần phải tìm kiếm động lực khác. Đó là đổi mới công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng, để tăng năng suất, giảm chi phí, qua đó tăng năng lực cạnh tranh, mới có khả năng chống đỡ tốt và vươn lên.
TS. Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nhiều doanh nghiệp quan niệm, chuyển đổi số làm tăng chi phí, trong khi đang khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế từ khủng hoảng vừa qua cho thấy, những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số chống đỡ tốt hơn, sau khủng hoảng phục hồi nhanh hơn. Những doanh nghiệp không áp dụng công nghệ số, lao dốc trong khủng hoảng và phục hồi chậm, rất khó đạt được trạng thái như trước khi khủng hoảng.
Theo ông Đường, trong chuyển đổi số, công nghệ không quan trọng mà quan trọng là phải ra được bài toán đúng. Có bài toán đúng thì công nghệ sẽ giải quyết được.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đề xuất, cần tiếp tục giảm thuế, phí để giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, điều hành kinh tế phải linh hoạt và kịp thời, nhất là khâu đảm bảo cung cầu, tránh các đứt gãy. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng.