Theo kết quả cuộc khảo sát, có những hộ kinh doanh phải đóng "hụi chết" cho cán bộ thuế.

Tại hội thảo “Giảm tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam, giải pháp từ lĩnh vực thuế” do VCCI kết hợp với UKAid (Tổ chức phát triển Anh quốc) tổ chức mới đây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Đặng Hoàng Giang (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật VN), nói: “Có nhiều hình thức tham nhũng trong khu vực kinh tế hộ kinh doanh. Chẳng hạn đối với những ngành nghề đặc biệt hoặc những ngành kinh doanh cần chứng chỉ hành nghề, chúng tôi khảo sát có tới 18% hộ kinh doanh phải trả các chi phí không chính thức, trong đó có khoảng 1/3 là loại chi phí từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Hay đối với việc thanh tra thuế, có tới 61% các hộ kinh doanh được khảo sát cho biết họ phải chi cho mỗi lần thanh tra từ 100.000 đến hơn 1 triệu đồng. Đặc biệt, có những hộ kinh doanh phải đóng “hụi chết” cho cán bộ thuế 5 triệu đồng/năm hoặc 500.000 đồng/tháng. Nếu không thì tình hình kinh doanh của họ sẽ gặp khó khăn do cán bộ thuế nhũng nhiễu”.

Thỏa thuận ngầm

. Phóng viên: Vậy ông khái quát các hình thức tham nhũng ở đây là gì?

+ TS Đặng Hoàng Giang: Nói ngắn gọn thì có ba hình thức tham nhũng: vòi vĩnh công khai, vòi vĩnh kín và thỏa thuận ngầm. Vòi vĩnh công khai, ví dụ khi hộ kinh doanh đi làm giấy tờ hay lúc bị thanh tra thị trường, kiểm tra an toàn vệ sinh… Vòi vĩnh kín, ví dụ thông qua việc ép hộ kinh doanh trả mức thuế cao vì họ không nắm được thông tin. Hiện tượng thỏa thuận ngầm, câu kết giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh thì chắc chắn là rất nhiều và được các hộ kinh doanh tham gia khảo sát công khai thừa nhận.

. Đối với hộ kinh doanh, có các loại thuế phổ biến là thuế môn bài, thuế nhu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Hiện tượng thỏa thuận ngầm đối với ba loại thuế này như thế nào?

+ Thuế môn bài là thuế dựa vào doanh thu, chỉ từ 50.000 đến 1 triệu đồng/năm. Tuy số thuế này nhỏ nhưng vẫn có tới 30% hộ kinh doanh được khảo sát khai doanh thu thấp đi để hưởng mức thuế thấp hơn và có 6% hối lộ cán bộ thuế để được đóng mức thuế thấp. Đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng thì cũng có tới 14% hộ kinh doanh hối lộ cán bộ thuế để đóng thuế thấp hơn. Còn phổ biến là thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế để đóng thuế thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

. Khi bị vòi vĩnh hoặc phải thỏa thuận ngầm, thái độ các hộ kinh doanh ra sao, thưa ông?

+ Tất nhiên các hộ kinh doanh bức xúc vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới miếng cơm manh áo của họ. Các hộ kinh doanh vốn là những người hoạt động kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ. Vòi vĩnh ngầm (ví dụ thông qua việc áp mức thuế cao hơn quy định) thì hộ kinh doanh không phát hiện ra. Trong trường hợp thỏa thuận ngầm thì hộ kinh doanh cũng là tòng phạm và rất nhiều hộ kinh doanh chọn cách này để trốn thuế và hưởng lợi.

{keywords}

Nhiều hộ kinh doanh thường trả những chi phí không chính thức để giảm bớt khó khăn trong buôn bán.


Kết quả nghiên cứu do nhóm của ông nói rằng có tới 62% các hộ kinh doanh không tố cáo việc nhũng nhiễu của cán bộ thuế. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng đó?

+ Lý do chính là họ không tin rằng vụ việc sẽ được giải quyết. Một phần là vì họ đã thiếu lòng tin vào khả năng chống tham nhũng khi họ tố cáo. Một thiểu số cũng cho rằng bản thân họ cũng đã từng làm trái pháp luật và việc hối lộ đây chỉ là việc “đi lại” bình thường. Đặc biệt, một số ít hộ kinh doanh, chiếm khoảng 13% lo ngại khi tố cáo họ sẽ bị trả thù.

{keywords}

Nguồn: Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh - TS Đặng Hoàng Giang


Phải cho dân thấy tố tham nhũng có lợi hơn

. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để kiểm soát và dẫn đến hạn chế tình trạng tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh?

+ Trước hết, thông tin về quy định nộp thuế cần phải được công khai và tuyên truyền cụ thể tới các hộ kinh doanh để họ nắm được nghĩa vụ của mình, tránh bị chèn ép. Thứ hai, cần có cơ chế giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của người nộp thuế, hiện nay cơ chế này không có hoặc không hoạt động. Thứ ba, cơ chế xác lập mức khoán thuế thông qua hội đồng tư vấn thuế ở các địa phương không hiệu quả, dẫn tới nhiều bức xúc và cơ hội để cán bộ tham nhũng lợi dụng. Thứ tư, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra cán bộ thuế hiệu quả hơn. Thứ năm, cần phạt nặng khi phát hiện ra các hộ kinh doanh và cán bộ thuế thỏa thuận ngầm với nhau để hai bên cùng có lợi.

Cuối cùng, cần chứng tỏ cho các hộ kinh doanh thấy rằng nếu họ chấp hành các quy định về thuế và tố cáo các hành vi tham nhũng của cán bộ nhà nước thì họ sẽ được hưởng lợi hơn là câu kết với cán bộ thuế để trốn thuế. Cái khó nhất là cho người dân niềm tin tiền thuế của họ đang được Nhà nước sử dụng đúng chỗ và hiệu quả. Không có niềm tin này thì người dân sẽ tìm mọi cách để không trả thuế.

. Xin cám ơn ông.

Nghiên cứu “Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh” do TS Đặng Hoàng Giang làm chủ đề tài được tiến hành trong năm 2014 và kết thúc vào đầu năm 2015. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 500 hộ kinh doanh trên tổng số khoảng 4 triệu hộ tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác để phỏng vấn trực tiếp và tiến hành thảo luận nhóm. Các hộ kinh doanh được lựa chọn phỏng vấn hiện đang kinh doanh tại các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe máy, mô tô, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán rượu, bia, quầy bar, nhà trọ cho sinh viên, khách sạn, nhà nghỉ… và nhiều loại hình dịch vụ khác.

(Theo PL TP.HCM)