Dệt may Việt Nam là ngành hàng xuất khẩu tỷ đô, đứng thứ 3 trên thế giới. Ngành đã đi qua năm 2020 đây thách thức khi có nhiều đơn hàng bị huỷ, chậm thanh toán. 

Doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 7

Nếu quý I năm 2020, các doanh nghiệp dệt may rơi vào tình trạng đứt nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và loay hoay duy trì đơn hàng xuất khẩu thì năm nay nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng trong 1-2 quý tới. 

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy một năm 2021 của ngành dệt may sẽ có kịch bản sáng lạn hơn so với 2020.

{keywords}
Doanh nghiệp dệt may tái cơ cấu thị trường ứng phó trước dịch COVID-19

Ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Công ty CP Thời trang Thể thao chuyên nghiệp ProSport, cho biết."Thời điểm này, các nhà máy của chúng tôi đều đã đủ đơn hàng đến tháng 7. Năm nay chúng tôi không còn khẩu trang và chúng tôi cũng không làm đồ y tế mà quay trở lại sản xuất những mặt hàng bình thường, nhưng có sự chuyển dịch sang các mặt hàng nhẹ, như mặt hàng dệt kim...", 

Với một doanh nghiệp dệt may khác, sau khi đã chủ động được nguồn cung, họ cũng tận dụng đa kênh bán hàng, xúc tiến tìm đầu ra từ online như qua các trang Amazon đến offline là các hội nghị xúc tiến thương mại.

"Hiện tại chúng tôi đã có đơn hàng đến tháng 5/2021, tuy nhiên đây chủ yếu là đơn hàng được ký trước Tết và hiện đang trong quá trình hoàn thiện xuất khẩu. Bên cạnh thị trường truyền thống của chúng tôi là Mỹ và châu Âu, hiện chúng tôi mở rộng thị trường ngay trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Giá các sản phẩm phải điều chỉnh giảm 15 - 20% mới có thể cạnh tranh được", chị Dương Thu Trang, CEO Công ty TNHH Tranda, chia sẻ.

Kỳ vọng hồi phục

Theo các chuyên gia, ngành dệt may là mội trong số ngành sẽ hồi phục nhanh vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chủ động được nguyên liệu và đã thực hiện chuyển dịch đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm.

{keywords}
Doanh nghiệp dệt may tái cơ cấu thị trường ứng phó trước dịch COVID-19

Năm 2020, xuất khẩu dệt may là một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.

"Xuất khẩu dệt may năm 2021 dự báo đạt 38 tỷ, tăng 8% so với năm 2020. Nhiều tổ chức dự báo các thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sẽ hồi phục sau khi vaccine COVID-19 được đưa vào sử dụng đại trà và diễn biến dịch đỡ phức tạp hơn. Năm 2021 là năm bớt khó khăn, chứ chưa thể phục hồi và quay lại đà tăng trưởng như đã thiết lập từ trước", anh Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Thuộc khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, nhận định.

Hai tháng đầu năm 2021, theo Tổng cục Thống kê, dệt may xuất khẩu vẫn đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước.

Đến thời điểm hiện tại, theo Hiệp hội Dệt may TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp ghi nhận đơn hàng tích cực, lượng đơn hàng đã đến tháng 6, có doanh nghiệp có đủ đơn hàng cho cả năm. Tuy nhiên 6 tháng cuối năm nay, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động tìm kiếm đơn hàng và tận dụng lợi thế để có được những khách hàng bền vững trong bối cảnh các quốc gia vốn cạnh tranh về dệt may với Việt Nam như: Myanmar, Indonesia, Malaysia phục hồi sản xuất.

Ngành dệt may là nơi gần 3 triệu lao động đang làm việc, tập trung người thành dây chuyền trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, thì đảm bảo an toàn đối với người lao động cũng nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất không bị gián đoạn.

Nếu doanh nghiệp thực hiện biện pháp giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 đến 21 ngày bằng 7% tổng thời gian sản xuất cả năm. Hệ quả là doanh nghiệp mất thu nhập liên tục, người lao động không có việc dấn tới nguy cơ nhà xưởng phải đóng cửa.

Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vắc xin tiêm cho người lao động theo chủ trương xã hội hóa đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng. Khi ấy, những ngành tập trung nhiều lao động như dệt may mới bớt thấp thỏm và tập trung sản xuất.

Thu Ngân