Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022. Theo nhận định của Bộ, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 4 tiếp tục được khởi sắc.
Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP), do hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 3 có sự tăng trưởng mạnh (IIP tháng 3 tăng 22,9% so với tháng 2 và tăng 8,5% so với cùng kỳ) nên trong tháng 4, chỉ số IIP mặc dù tiếp tục duy trì xu hướng tăng nhưng chỉ tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2022, chỉ số SXCN tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 8,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%; ngành khai khoáng tăng 2,6%.
Chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thép thanh, thép góc tăng 15,2%; Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; Quần áo mặc thường tăng 12,3%; ô tô tăng 12%; phân đạm ure tăng 11,1%; phân lân tăng 16,9%; Quần áo mặc thường tăng 12,3%; Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; Alumin tăng 12,4%; than sạch tăng 9,3%.
Ở chiều ngược lại, sản phẩm sản xuất của một số ngành giảm như: phân DAP giảm 35,3%; quặng apatit giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước; ti vi giảm 18,9%; điện thoại di động giảm 9,9%; Xăng dầu các loại giảm 9,7%; Vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo giảm 9,1%; sắt thép thô giảm 5,8%...
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.
Kim Duyên