Hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Ông Nguyễn Tiến Thưởng, Giám đốc Công ty Cổ phần Ốc vít Plaza Việt Nam cho biết, một trong những tâm tư các doanh nghiệp CNHT đang vướng phải đó là về nguồn vốn.
Việc nhập thiết bị máy móc của của doanh nghiệp ít nhận được sự hỗ trợ của ngân hàng. Điển hình như trước đây, chúng tôi có mua thiết bị về và được ngân hàng Vietcombank tài trợ. Nhưng trong năm 2022 thì họ bắt đầu từ chối với lý do là tài chính khó khăn.
Những năm trước đó, nguồn tài chính dồi dào hơn nhưng đến năm nay thì lại khác. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang phát triển và chúng tôi. Đến năm 2023, liệu chúng tôi có được tài trợ nữa không, ngân hàng Vietcombank đã trả lời là chưa biết được và chưa thể hỗ trợ được.
Thậm chí mua thiết bị bằng việc vay thế chấp thì lãi suất cũng không hề thấp, mặc dù có thế chấp bằng chính cái máy móc thiết bị của mình nhưng vẫn còn cao hơn so với thế chấp bằng tài sản cố định. Đấy là khó khăn rất lớn.
Chúng tôi mua máy móc đã rất là khó, rồi việc tài trợ còn khó hơn lại phải chịu lãi suất rất cao. Đã từng có chương trình hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid. Công ty thì chúng tôi là một trong những đại diện được ngân hàng Agribank đồng hỗ trợ 2% lãi suất đó.
Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì có rất nhiều rào cản về cơ chế chính sách. Ngân hàng nhà nước đã phải tổ chức một buổi họp phân tích xem vướng mắc gì, khó khăn gì mà Nhà nước không thể giải ngân được.
Một khó khăn nữa đó là lãi suất rất cao. Doanh nghiệp đã sử dụng những nguồn tài chính, nguồn thế chấp doanh nghiệp. Năm 2020, 2021 cũng đã sử dụng nguồn vay của ngân hàng Agribank, vay thế chấp thì lãi suất lại rất cao lên đến 17%-20%.
Doanh nghiệp đang rất thiếu vốn, muốn mua máy móc thực tế, muốn sản xuất thực tế nhưng không tiếp cận được nguồn hỗ trợ mà phải đi vay lãi suất rất cao. Đấy là một trong những khó khăn rất lớn.
Như công ty chúng tôi, thực tế hiện tại công ty đang đầu tư mạnh hơn nữa vào ngành sản xuất ốc vít. Ví dụ, công ty có dự án mới ở Khu công nghiệp Nam Hà Nội đang rất cần nguồn vốn.
Xây dựng nhà máy, đầu tư thiết bị đang rất bỏ ngỏ. Vì vậy, mong muốn của doanh nghiệp chúng tôi là làm sao tiếp cận được cơ chế hỗ trợ trong việc đầu tư vào xây dựng nhà máy và mua thiết bị.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhận định, để các doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể tiếp cận được với ngân hàng là hết sức khó khăn, do đó thông qua kênh hiệp hội, các ngân hàng sẽ truyền tải được toàn bộ thông tin về các quy định, yêu cầu, thủ tục đối với các doanh nghiệp cần vay vốn. Từ đó, các hiệp hội sẽ truyền thông và hướng dẫn, tư vấn chi tiết, cụ thể cho các doanh nghiệp trong nhóm để có thể xây dựng các đề án vay vốn dễ dàng hơn.
Bảo Bảo