Tại buổi gặp gỡ cộng đồng ICT phía Nam chiều 15/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp trả lời các câu hỏi từ những người làm công nghệ tại TP.HCM. 

{keywords}
Toàn cảnh buổi tọa đàm. 

 

Sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Mở đầu buổi nói chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về cơ hội rộng mở của các doanh nghiệp công nghệ: "Như các bạn đã biết, ngành IT đã gắn với viễn thông để thành ICT. ICT cũng không còn chỉ là ICT nữa, mà đã liên quan đến số, công nghệ số. Công nghệ số bây giờ đã trở thành chuyển đổi số, từ đó sẽ tạo nên kinh tế số, xã hội số. Như vậy, không gian của các doanh nghiệp IT bây giờ rộng lớn hơn rất nhiều, đòi hỏi cách nghĩ, cách làm của các bạn cũng phải khác đi."

 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi tọa đàm. 

 

"Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng cần phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội. Thêm vào đó là văn hoá người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Cơ hội đang đến, vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Đó là các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, là các bạn ngồi đây."

"TP.HCM là nơi có tỉ trọng về công nghiệp ICT dẫn đầu cả nước, nhưng đóng góp của các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp sản xuất mới chỉ chiếm 30% về doanh thu và 50% về số lượng doanh nghiệp, đóng góp còn lại là từ khối buôn bán, phân phối. Khối buôn bán, phân phối đã tương đối tiệm cận giới hạn bão hoà. Do đó, cộng đồng ICT TP. HCM cần tiếp tục phát triển hơn trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất, vì đây là thị trường có thể nói là không có giới hạn, đây là thị trường mà người Việt Nam đang thiếu rất nhiều sản phẩm. Các lĩnh vực như IoT trong nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL, nhà máy thông minh cho các khu công nghiệp đang rất cần các sản phẩm của cộng đồng DN CNTT TP. HCM."

Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ

 

{keywords}
Một đại biểu tham dự tọa đàm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT&TT. 

 

Tại buổi trao đổi, một đại diện doanh nghiệp về giải pháp giao thông thông minh đã cung cấp sang Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, nhưng khi muốn mời một số quỹ nước ngoài đầu tư thì gặp khó khăn về các giấy chứng nhận, công nhận triển khai giải pháp thành công tại Việt Nam, nên rất khó mang trí tuệ của Việt Nam đi ra thế giới.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẽ sẵn sàng chứng nhận cho các giải pháp đã triển khai thành công, cũng như hỗ trợ nếu các doanh nghiệp cần sự phối hợp với các bộ ngành khác, chẳng hạn như kết nối với Bộ Giao thông Vận tải để doanh nghiệp có thêm dữ liệu về giao thông cho các hệ thống AI. 

Về câu hỏi triển khai giải pháp công nghệ mới gặp nhiều khó khăn về thủ tục, rất cần có mô hình sandbox để thử nghiệm, Bộ trưởng TT&TT đưa ra gợi ý: "Các giải pháp mới luôn tiềm ẩn rủi ro, nên nếu thử nghiệm ở thành phố lớn như TP.HCM sẽ có thể gây tác hại rất lớn. Vì vậy các doanh nghiệp công nghệ khi muốn thử nghiệm giải pháp mới nên chọn nơi hạn chế được rủi ro thiệt hại nhất, chẳng hạn ở vùng sâu vùng xa và mật độ dân cư thấp như Hà Giang hay Mù Căng Chải. 

Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc công ty tư vấn CNTT P.A.T nêu thực trạng tỉ lệ giá trị của khâu tư vấn trong các dự án CNTT khối Nhà nước rất thấp, nên các dự án đầu tư về công nghệ tại Việt Nam sẽ khó có chất lượng tốt. Ngoài ra, cũng có sự trớ trêu khi nếu dự án dùng tư vấn nước ngoài thì lại được chi ở mức rất cao. 

 

{keywords}
Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc công ty tư vấn CNTT P.A.T. đặt câu hỏi cho Bộ trưởng. 

 

Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết Nghị định 102 về quản lý đầu tư trong khối Nhà nước đã được sửa đổi và trình Chính phủ thông qua, dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 8 năm nay. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra hướng xử lý theo cách điều chỉnh quy định để các đơn vị tư vấn trong nước có năng lực và được chứng nhận ngang bằng với các nhà tư vấn nước ngoài thì có thể được áp dụng định mức tương đương.

Sản phẩm công nghệ Việt Nam phải tạo được giá trị

Một đại diện tại Intel nêu vấn đề về việc đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất máy tính thương hiệu Việt, nhưng sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ thường không được thị trường Việt Nam đón nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng hiện nay, một sinh viên mới ra trường cũng có thể lắp ráp được máy tính thương hiệu Việt, cũng có nhiều doanh nghiệp đặt hàng đối tác nước ngoài để sản xuất được smartphone Việt. Tuy nhiên, làm sản phẩm thì cần xác định mục tiêu lớn nhất là phải bán được. Làm công nghệ mà sản phẩm không bán được thì sản phẩm của mình có vấn đề.

"Đây không phải vấn đề do thương hiệu hàng Việt Nam, mà vì chúng ta chưa tạo được giá trị. Người Việt mình chưa mua là vì sản phẩm chưa tốt hoặc tiếp thị kém. Nếu sản phẩm tốt và giá cả hợp lý, tự người tiêu dùng sẽ đón nhận”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

 

{keywords}
 

 

Một đại biểu cũng nêu vấn đề kiện tụng kéo dài giữa Grab và các hãng taxi, cho rằng tư duy làm luật của Việt Nam vẫn theo kiểu cũ, không kích thích cái mới phát triển.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Hệ thống luật pháp của Việt Nam dành cho 100 triệu người. Cái mới ban đầu chỉ dành cho 5 người, sau đó 10 người, 20 người, rồi mới mở rộng dần ra. Nếu thay đổi hệ thống luật pháp của 100 triệu người để phục vụ 100 người thì tốt hay không tốt?”. Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng khẳng định, luật pháp sinh ra để tạo sự ổn định. "Những cái gì mới thì cần phải thí điểm, ban đầu thí điểm trong phạm vi hẹp, sau khi đã có mô hình chuẩn thì sẽ bắt đầu thay đổi cách tiếp cận để có thể mở rộng. Đây là lý do Bộ TT&TT đang xây dựng quy định về Sandbox trong quá trình chuyển đổi số. Đây là mô hình giúp thử nghiệm các công nghệ, dịch vụ mới trong phạm vi hẹp trước khi mở rộng ra toàn thị trường."

“Kể cả không có Sandbox thì chúng ta vẫn có thể thử nghiệm ở doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhỏ để sản phẩm, dịch vụ được chứng minh, sau đó chúng ta sẽ sẽ áp dụng quy định luật pháp sau”. 

Thế giới cần cách tiếp cận mới về mạng xã hội

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Thế giới đang cần một cách tiếp cận mới về mạng xã hội". 

 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ thêm với các doanh nghiệp công nghệ về hệ sinh thái số Việt Nam: "Thế giới đang cần một cách tiếp cận mới về mạng xã hội (MXH). Những người sử dụng MXH phải được chia sẻ giá trị mà MXH đó tạo ra, họ phải được tham gia quyết định luật chơi trên đó, họ phải được bảo vệ trên đó. MXH cũng là một xã hội, vậy nên những giá trị đạo đức căn bản của con người phải được tôn trọng, phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia." 

"Về tìm kiếm thông tin, bên cạnh việc một câu hỏi có tới hàng trăm ngàn câu trả lời rất khác nhau, thì cũng cần có một câu trả lời có độ tin cậy để dùng được, nhất là đối với những người không có chuyên môn. Những yêu cầu mới này của xã hội mở ra không gian cho các MXH mới, các công cụ tìm kiếm mới, cho một hệ sinh thái số mới. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, các Startups Việt Nam có một cơ hội lớn để phát triển một hệ sinh thái với triết lý mới, với mô hình kinh doanh mới, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới."

Quý độc giả có thể tham khảo toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi gặp gỡ cộng đồng ICT phía Nam tại đây

Huy Phong

Ảnh: Thanh Tùng