Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chủ trì buổi họp báo ngày 6/5 giới thiệu Diễn đàn. |
Đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045
Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cùng khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” là sự kiện lần đầu tiên được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức.
Diễn ra ngày 9/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, dự kiến quy tụ sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu, trong đó có hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như cac doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Bộ TT&TT cho rằng, cơ hội hóa rồng cho Việt Nam đang đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng.
Tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển. Vì vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Bộ TT&TT cũng nêu rõ định hướng: doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và Make in Vietnam toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.
Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ Việt nam còn có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
Tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghệ Việt vươn ra thế giới
Trao đổi tại cuộc họp báo giới thiệu Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào chiều 6/5/2019, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ định hướng chiến lược phát triển ICT mới do Bộ TT&TT đưa ra, CEO Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân phân tích, nhìn sang 2 quốc gia lớn trên thế giới rất mạnh về CNTT là Trung Quốc và Ấn Độ, có thể thấy trong khi Ấn Độ là nước xuất khẩu phần mềm, có rất nhiều lập trình viên, tạo rất nhiều doanh thu; Trung Quốc là quốc gia tạo được ấn tượng mạnh trên thế giới về các sản phẩm công nghệ. Trung Quốc hiện nay đang có những tên tuổi lớn như Huawei, Tencent, Baidu… mà nhiều nước phải nể sợ, và cứ Mỹ có sản phẩm công nghệ gì thì Trung Quốc đều có sản phẩm tương tự để phục vụ người dân nước họ.
“Về chiến lược, Trung Quốc sử dụng lực lượng CNTT để tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa trong nước trước. Và khi có được sản phẩm bán được, cạnh tranh được trong nước thì bắt đầu họ phát triển xuyên biên giới, đưa ra nước ngoài”, ông Tân cho hay.
Theo CEO VCCorp Nguyễn Thế Tân, các doanh nghiệp có tiền vốn, có đội ngũ nhân sự của mình, nếu họ muốn làm, nhìn thấy cơ hội kinh doanh, thấy được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, thì họ sẽ “đổ tiền, đổ của, đổ lực” để làm. |
Vị CEO Công ty VCCorp cũng nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên số, nếu doanh nghiệp có nội dung, có phần mềm, có công nghệ, khi nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam dễ dàng như thế nào, nếu doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh thì chúng ta cũng có thể xuyên ngược biên giới ra bên ngoài. Vì thế, tôi rất đồng tình với chủ trương, định hướng chiến lược phát triển ICT Bộ TT&TT đề ra. Trước tiên cần xây dựng sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” để chúng ta sở hữu, làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm của mình; sau đó chúng ta mang sản phẩm của doanh nghiệp mình ra nước ngoài kinh doanh”.
Từ góc độ của một công ty công nghệ có hơn 600 lập trình viên đang làm các sản phẩm phục vụ thị trường Việt Nam, ông Tân cho rằng, các doanh nghiệp có tiền vốn, có đội ngũ nhân sự của mình, nếu họ muốn làm, nhìn thấy cơ hội kinh doanh, thấy được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, thì họ sẽ “đổ tiền, đổ của, đổ lực” để làm. Khi đó, các doanh nghiệp có thể lỗ, có lãi, có thể phải chiến đấu nhưng chắc chắn họ sẽ đổ sức vào làm. Nếu như 10 công ty không thành công thì chắc rằng cũng còn được 1- 2 công ty làm được.
“Nhìn khung chương trình Diễn đàn, tôi thấy rằng có sự đồng lòng của Chính phủ. Với quan điểm thúc đẩy phát triển mới, với các hạng mục cho phép các doanh nghiệp tham gia góp ý, tháo gỡ, tôi nghĩ rằng rất nhiều doanh nghiệp sẽ cùng muốn làm”, ông Tân nói.
Ông Phạm Hải Văn, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Haravan cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ cạnh tranh trực tiếp được các doanh nghiệp nước ngoài. |
Có cùng quan điểm với CEO VCCorp, ông Phạm Hải Văn, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Haravan nhận định: “Với kinh nghiệm 5 năm hoạt động tại Việt Nam, tự tin nói rằng Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ cạnh tranh trực tiếp được các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, với những ứng dụng công nghệ đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy kinh tế tại Việt Nam phát triển”.
Cho biết Haravan đặc biệt tâm đắc với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” của Diễn đàn, ông Văn giải thích: “Với công nghệ, người trẻ Việt Nam có cơ hội được thể hiện khát vọng của mình ra thị trường thế giới. Công nghệ chính là đại diện cho trí tuệ Việt Nam. Việc tổ chức những Diễn đàn về công nghệ như thế này cũng cho thấy Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm, coi công nghệ là ngành mũi nhọn”.
Nói về kinh nghiệm tiếp cận thị trường Việt Nam, đại diện Haravan chia sẻ, khi áp dụng công nghệ từ thế giới về Việt Nam, phần nhiều có những giải pháp trị giá hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu USD, chỉ có doanh nghiệp lớn mới có thể mua và ứng dụng. Trong khi đó, với số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam, việc ứng dụng các giải pháp đó là không thể do không có kinh phí, không phù hợp. Đứng trước thực tế này, Haravan đã đóng gói, đưa ra giải pháp với chi phí phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp được ứng dụng những công nghệ không thua kém nước ngoài. “Trong CMCN 4.0, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi trên sân nhà”, ông Văn khẳng định.